Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý trật tự xây dựng đô thị: Vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chưa quyết liệt trong xử lý một số công trình vi phạm trật tự xây dựng; vẫn chậm và loay hoay khi ứng phó với nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến phố mới mở… là thực tế ghi nhận qua đợt khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP về tình hình quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn một số quận mới đây.

Lách luật cố tình vi phạm
Trưởng Ban đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cho biết, trong kỳ họp tới đây HĐND TP sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý trong trật tự xây dựng, từ đó có những kiến nghị, phân công trách nhiệm kiên quyết hơn nhằm làm giảm cũng như xử lý triệt để các công trình vi phạm.
Có thể nói, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội chưa lúc nào “nóng” như thời gian qua. Thị sát của Ban Đô thị HĐND TP tại một số quận như Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai cho thấy, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều tồn tại, chưa xử lý kiên quyết, triệt để. Xuất phát từ yếu tố lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư bất chấp các quy định của pháp luật, hoặc tìm cách hợp thức hóa sai phạm. Chính vì lẽ đó, khi chính quyền địa phương không đôn đốc, lơ là giám sát thì vi phạm lại tiếp tục.

Nhà siêu mỏng trên đường Vành đai 2. Ảnh: Công Hùng

Đơn cử như vi phạm tại khu vực Gốc đa, Cây ổi, phường Đại Kim có 37 công trình vi phạm trên diện tích 6,5ha đất nông nghiệp. Các chủ đầu tư vẫn giữ nguyên hiện trạng, đang sử dụng làm kho bãi.
Về tình hình xử lý vi phạm xây dựng ở quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết: “Đối với tình hình vi phạm về đê điều tại khu vực nhà hàng Tre Place, quận đã yêu cầu giải tỏa các công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của kè. Ngày 24/8/2016, quận đã phối hợp cùng Hạt quản lý đê số 2, kiểm tra ghi nhận công trình đã tự dỡ bỏ các vi phạm. Hiện tại đã tiến hành hoàn thiện thủ tục xin phép theo quy định đối với các công trình mang tính chất tạm thời”.
Nhà “siêu mỏng, siêu méo” trơ gan tuế nguyệt
Về vấn đề xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", các thành viên trong Ban đô thị HĐND TP thực sự lo lắng bởi những tồn tại cũ chưa bị xử lý, những vi phạm mới lại manh nha xuất hiện. Việc giải quyết dứt điểm tình trạng này đã khó càng thêm khó. Quận Hoàng Mai có 75 trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện chủ yếu dọc tuyến đường Vành đai 2. Cá biệt đến thời điểm hiện nay trên tuyến đường ven sông thuộc Dự án thoát nước giai đoạn II còn tồn tại 11 trường hợp chuyển từ diện hợp thửa sang diện thu hồi do các hộ dân không thống nhất với nhau. Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải cho biết:  “Phòng TN&MT đã tham mưu phương án sử dụng đất sau khi thu hồi, hợp thửa cho UBND quận. Tuy nhiên, quận chưa có kinh phí để thực hiện GPMB thu hồi đất đối với các thửa đất trên”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, trên địa bàn quận đã và đang thực hiện GPMB, đầu tư xây dựng 3 tuyến đường mới là đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (đoạn từ Bảo tàng dân tộc học đến đường 32), tuyến đường Vành đai 2 (đoạn qua phường Nghĩa Đô) và đường Trần Quý Kiên kéo dài (phường Dịch Vọng). Tại 3 tuyến đường này có 64 trường hợp có thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Quận đã có phương án xử lý hợp thửa, chỉnh trang cho tồn tại được 42 trường hợp.
Tại địa bàn quận Thanh Xuân có 51 trường hợp công trình “siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện dọc đường Vành đai 2. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Khổng Minh Thảo khẳng định: “Quận thường xuyên rà soát, kiểm tra, quản lý nhằm tránh những công trình "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện. Ngay từ đầu, quận thực hiện công khai khi có thông báo thu hồi đất, điều tra lập phương án bồi thường, GPMB và phương án quản lý, sử dụng đất sau thu hồi. Đến nay, đã hoàn thành hợp thửa, hợp khối 27 trường hợp, 5 trường hợp cải tạo, chỉnh trang, 19 trường hợp thu hồi”.
Riêng quận Hai Bà Trưng có đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) và đường Thanh Nhàn cũng có 70 trường hợp sau GPMB diện tích còn lại không đủ xây dựng và khả năng xuất hiện nhà mỏng, méo rất dễ xảy ra.
Phải giải quyết cả hệ thống
Trước các vi phạm trật tự xây dựng, trong nhiều cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ rõ: “Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định”.
Đáng chú ý, mới đây nhiều vấn đề nóng về quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị đã được Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đề cập trong buổi giám sát tại Sở QH&KT. Theo Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân, để những tuyến đường của Hà Nội trong tương lai không xuất hiện tình trạng nhà mỏng, méo, thì việc quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên đường cần tiến hành ngay. Do đó, Sở QH&KT phải sớm tham mưu cho TP nội dung này.
Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho hay, nguyên nhân tồn tại những công trình "siêu mỏng, siêu méo" do thời gian thực hiện lập đồ án quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới mở trên địa bàn TP kéo dài. Việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, vẫn phát sinh các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” dẫn đến thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường. Thực tế, phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) đã được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, song đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường vì khó khăn về công tác GPMB và bố trí nguồn kinh phí dự án. Các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông đều chưa được xem xét về việc bố trí nguồn vốn cho việc GPMB ngoài phạm vi mở đường trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng quan trọng nhất về thực hiện chính sách thu hồi đất để thực hiện quy hoạch cần bám vào lợi ích của người dân, tại Đà Nẵng đa số người dân hài lòng với phương án đã thực hiện: "Người bị thu hồi đất trở thành những người được thu hồi đất". Nếu Hà Nội cho người dân thấy được lợi ích nhiều hơn khi về chỗ ở mới thì khả năng đạt được sự đồng thuận cao hơn nhiều.
Xét về trách nhiệm quản lý thì có thể cho rằng vai trò của chính quyền địa phương chưa tốt, người dân cố tình làm trái quy định. Nhưng về chuyên môn là do việc triển khai thu hồi đất hai bên tuyến đường để thực hiện quy hoạch chi tiết theo khoản 2, Điều 9 Luật Thủ đô cũng chưa thực hiện được tại bất cứ tuyến đường nào. Do đó cần phải có sự giải quyết mang tính hệ thống.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm -   Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.