Chỉ sửa nội dung bức thiết
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng được nhiều ý kiến tán thành, để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát… Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới. Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ. "Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao”- Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.
Theo phản ánh của nhiều DN, thời gian làm thủ tục xin cấp phép xây dựng là vô tận và trên thực tế đều đổ lên túi tiền của người mua nhà ở. Vì thế, cần làm rõ các quy định cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung có thực sự giảm thiểu thời gian tiến hành thủ tục hành chính hay không. Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải |
Theo Dự Luật, các nội dung được sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, những nội dung được sửa đổi chưa thực sự bức xúc và cần thiết phải sửa ngay. Một số ý kiến khác cho rằng, điều quan trọng là việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành có giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng đang khiến người dân bức xúc hay không. Bởi thực tế, hiện có tình trạng nhiều công trình sai phạm đang tồn tại mà không xử lý được. Đặc biệt, việc sửa đổi cần phải nhấn mạnh tới việc tăng cường hiệu quả công tác giám sát quản lý trật tự xây dựng và đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng, giảm tải gánh nặng cho người dân.
Từ thực tế, bên cạnh những công trình chỉ vương vãi một bao xi măng, thanh tra xây dựng cũng nắm rất nhanh nhưng lại có những công trình cao hàng chục tầng với nhiều sai phạm thì thanh tra lại "không hề biết", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, qua tiếp nhận ý kiến cử tri nổi lên hai vấn đề lớn nhất là nếu sửa luật, thủ tục cấp phép xây dựng và tình trạng nhiêu khê trong quản lý trật tự xây dựng liệu có được giảm tải?
Đánh giá kỹ tác động
Ở một góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong lĩnh vực xây dựng đang có một số vấn đề vướng mắc nhất định nhưng không phải tất cả đều do quy định tại Luật Xây dựng. Việc sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng cũng khó có thể kỳ vọng khắc phục những hạn chế, tồn tại đang đặt ra trong lĩnh vực này. Hơn nữa, hệ thống pháp luật xây dựng liên quan đến rất nhiều luật như đầu tư, đất đai, quản lý vốn, môi trường… Do đó, việc đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy kinh tế tư nhân là hợp lý.
Với quan điểm của cơ quan soạn thảo Dự Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lý giải, các hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực xây dựng đều đang được Chính phủ có những động thái xử lý cụ thể. Hơn nữa, Luật Xây dựng năm 2014 là đạo luật rất lớn, mới thực hiện trong 4 năm nên lần sửa đổi, bổ sung này chủ yếu hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dù sửa đổi Luật theo hướng nào, Chính phủ vẫn cần tiếp tục hoàn thiện rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể của Dự án Luật liên quan đến phân loại cấp độ xây dựng; ban quản lý xây dựng; công trình xây dựng mang tính cấp bách; dự án khu đô thị; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về xây dựng…