Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý vận tải hành khách liên tỉnh trong đại dịch Covid-19: Phòng dịch từ gốc

Ngọc Hải - Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh thuộc nhóm tiềm ẩn nguy cơ cao. Để tăng cường tối đa hiệu quả ngăn ngừa, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đôn đốc các DN, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô liên tỉnh duy trì nghiêm ngặt những biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm ngăn chặn từ gốc.

Tình trạng lộn xộn tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng
Tạm dừng vận tải tại 14 tỉnh, thành
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã ngay lập tức triển khai hàng loạt biện pháp ngăn ngừa lây lan tại những nơi tập trung đông người, đặc biệt ở bến xe, nhà ga. Mới đây, thực hiện công điện ngày 7/7 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải liên tỉnh bằng ô tô tập trung, nâng cao cảnh giác với nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 8/7, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ từ Hà Nội đến 14 tỉnh, TP và ngược lại gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam. Chỉ cho phép hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng hoặc đến khi có thông báo mới.

Đối với xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong Công điện 13/CĐ-UBND ngày 7/7. Hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ Hà Nội đến các tỉnh, thành và ngược lại cần liên tục được cập nhật. Dừng hoạt động nếu địa phương có yêu cầu hoặc ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng nếu tỉnh đó có vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thay thế.

Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị vận tải đường bộ tuân thủ nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát hành khách trên xe của lực lượng chức năng. Thường xuyên cập nhật diễn biến dịch Covid-19 để chủ động kế hoạch kinh doanh của DN, dừng hoạt động khi có thông báo của các cấp địa phương và không được dừng, đỗ đón trả khách tại những địa bàn có dịch.

Siết chặt quản lý

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Bến xe, nhà ga, sân bay… là những nơi dễ áp đặt các biện pháp kiểm soát nên nguy cơ lây lan dịch bệnh được hạn chế đáng kể. Nhưng với tình trạng xe khách liên tỉnh đón trả dọc đường, xe khách trá hình, xe dù còn diễn ra phổ biến khắp nơi thì ẩn họa vô cùng lớn. Nếu buông lỏng quản lý vận tải khách liên tỉnh, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đào Xuân Sơn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Đông Lý bày tỏ lo ngại về rủi ro dịch bệnh lây lan tại các bến và hành khách. Do đó, vị đại diện DN vận tải này đề nghị tăng cường tổ chức phòng dịch, thực hiện biện pháp sàng lọc hành khách, biện pháp 5K ngay ở cửa các bến.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn TP triển khai một số biện pháp cấp bách. Cụ thể, không làm thủ tục xuất bên cho các phương tiện đi đến các tỉnh, TP đã có thông báo dừng hoạt động vận tải hành khách. Thường xuyên cập nhật diễn biến dịch Covid-19 theo danh sách các vùng dịch được công bố và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Kịp thời tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Sở GTVT Hà Nội cho phép phương tiện hoạt động hoặc dừng hoạt động tại bến xe.

Chủ tịch Hiệp hội Vận taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng đánh giá, đây là biện pháp rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. "Lái xe là những người có lượng tiếp xúc với nhiều hành khách, đi đến nhiều địa địa điểm. Và họ cũng thuộc nhóm cung cấp thiết yếu là dịch vụ vận tải được ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác".

Ngày 8/7, Bộ GTVT cũng đã ban hành công điện gửi các đơn vị liên quan trong ngành về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó yêu cầu người đứng đầu DN, đơn vị vận tải, bến xe, bến tàu, bến phà, nhà ga, cảng hàng không, sân bay, chủ phương tiện chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị mình quản lý.
Các nhà xe nên khuyến khích hành khách sử dụng những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; dung dịch sát khuẩn trên xe. Hành khách và nhân viên phục vụ trên xe phải đeo khẩu trang đúng cách; từ chối phục vụ đối với hành khách không đeo khẩu trang và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Thường xuyên vệ sinh phương tiện, bảo đảm phải sạch sẽ, tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch; trong quá trình vận chuyển hành khách và giao hàng hóa, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc gần.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội thông báo tạm dừng hoạt động tàu khách trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại từ ngày 8/7/2021. Theo đó, đơn vị tạm dừng chạy đôi tàu LP5/LP6 từ ngày 8/7; tạm dừng chạy tàu HP2 từ ngày 9/7 và tàu HP1 từ ngày 10/7. Hành khách có vé đi tàu trong những ngày tàu tạm dừng liên hệ nhà ga trả vé trước giờ tàu chạy. Với diễn biến mới này, trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ không có tàu khách hoạt động, chỉ còn tàu hàng hoạt động bình thường.