Quan tâm đến người bệnh hơn

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, đang ngồi làm việc chợt chuông điện thoại của tôi reo vang.

Nhìn vào màn hình điện thoại, tôi thấy hiện lên số lạ, nên nghĩ có lẽ số của nơi buôn bán đất đai gọi, hay số của những kẻ mạo danh cơ quan chức năng dọa chuyện này, chuyện nọ… Tuy nhiên, tôi vẫn bấm nút trả lời. Điều ngạc nhiên là cuộc gọi từ một bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Ngạc nhiên hơn, đó là một bệnh viện công. Và nữa, người gọi cho biết là từ phòng khám, gọi để hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi như thế nào. Điều đáng chú ý, tôi là một bệnh nhân thông thường, có nghĩa là khi đi khám bệnh chỉ xưng họ tên, tuổi… chứ không có gì khác biệt. Tôi lại là bệnh nhân khám theo diện bảo hiểm, người chú ý đến sự tiết chế việc chi tiêu, chứ không phải là người khám theo diện dịch vụ.

Cuộc gọi không kéo dài, nhân viên bệnh viện sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi, nhắc tôi đi khám định kỳ đúng như giấy hẹn và “nếu vì bận hay lý do gì đó thì có thể đi khám sớm một vài ngày”. Sau đó cô nhân viên hỏi tôi có gì phản ánh về việc khám bệnh cũa bệnh viện không. Tôi cảm ơn và cho biết, tôi không có gì để phản ánh cả. Cô nhắc: “Nếu có gì anh cứ gọi điện thoại theo số này”…

Cuộc trao đổi này thực sự làm một bệnh nhân như tôi cảm động. Bởi vì, đó là sự quan tâm, chăm sóc với một bệnh nhân hết sức bình thường ngoài sự mong đợi.

Xin nói thêm, tôi đi khám ở bệnh viện này đã cỡ gần chục lần, trong hơn 1 năm nay, nhưng đây là cuộc gọi lần đầu tôi nhận được. Có nghĩa là việc gọi điện cho người bệnh là sáng kiến mới của bệnh viện này? Thực tế, khi đi khám ở bệnh viện này, tôi gặp khá nhiều phiền phức và không ít chuyện bi hài nhưng chỉ với sự chăm sóc nho nhỏ ấy thôi đã xóa hết mọi ấn tượng không vui về bệnh viện này.

Bình thường, ở nhiều bệnh viện tư, họ nắm được cả sinh nhật của người bệnh để đến dịp là nhắn tin, gửi thiệp chúc mừng. Còn khi đang điều trị, bệnh viện tư nhân lớn luôn quan tâm đến người bệnh. Nhưng thông thường kèm theo chế độ phục vụ tốt là giá cả khá cao, thậm chí đắt đỏ.

Chúng tôi được biết, hàng năm có hàng vạn người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, mang theo cả tỷ đô la. Điều đáng nói, ngoài lý do về đẳng cấp chuyên môn, người Việt Nam còn ra nước ngoài để được chăm sóc với lý do là có được “nụ cười thân thiện” của y, bác sĩ và nhân viên phục vụ.

Chúng ta phải hết sức thông cảm cho các y, bác sĩ. Họ với công việc căng thẳng suốt ngày nên không thể không mệt mỏi. Có lần tôi bắt gặp một cô điều dưỡng cầm xấp hồ sơ nói với các bệnh nhân đang chờ khám: “Các bác thông cảm, đợi gọi tên, đừng chen ngang. Tôi mệt lắm rồi”. Không mệt sao được khi dịch bệnh kéo dài, người khám đông đúc (số người dồn lại vì thời gian dịch căng thẳng không dám đi khám), lại có người thích chen ngang, hỏi han, thắc mắc sao chưa đến lượt.

Tuy nhiên, để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân, ngoài tấm lòng, các bệnh viện cần bố trí việc khám chữa bệnh tốt hơn, để giảm tải cho đội ngũ thầy thuốc và có thời gian quan tâm hơn với người bệnh. Khi bệnh viện nâng được khả năng chuyên môn cũng như thái độ phục vụ, người dân không nhất thiết phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Quan trọng hơn tất thảy, khi được quan tâm hơn, người bệnh sẽ mau hồi phục sức khỏe hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần