Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm đúng mức hơn

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đang trong tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, nhưng nếu như không được nhắc nhở nhiều người cũng quên.

Tai nạn lao động xảy ra hàng ngày ngay bên cạnh chúng ta, có lúc tưởng chừng như chẳng có gì liên quan như trong phòng cháy nổ, trong giao thông, trong tai nạn hầm lò, trong đuối nước, làm chết hàng nghìn người… nhưng tai nạn lao động vẫn là chuyện đâu đâu, không mấy ai để ý.
 Tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động
Riêng trong lao động thuần túy, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra hàng năm đang ngày càng có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Nếu ở giai đoạn 1995 - 2005, trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, làm 260 người chết, đến giai đoạn 2006 - 2016 đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết; thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng và mất khoảng 100.000 ngày công vì TNLĐ/năm.
Trong một cuộc họp báo nhân việc sẽ nâng tuần thành tháng an toàn vệ sinh lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết, riêng năm 2016, cả nước có gần 8.000 vụ TNLĐ làm chết 862 người (trong đó 42% là do lỗi của phía sử dụng lao động) thời gian nghỉ do tai nạn lao động là 98.176 ngày, chưa kể 30.000 ngày nghỉ việc ốm đau, bệnh tật do TNLĐ gây ra.
TNLĐ làm giảm số lao động làm ra của cải đã đành, còn làm tăng số người trông dựa vào xã hội. Tổng số người hưởng trợ cấp TNLĐ mỗi năm một tăng: Năm 2005 là 24.814 người với số tiền trợ cấp 61.266 triệu đồng; năm 2006 là 26.411 người với số tiền là 67.886 triệu đồng.
Tai sao TNLĐ ngày càng tăng như vậy? Có nhiều nguyên nhân, do công việc ngày một khó, do trình độ cơ giới hóa cao... Nhưng, chủ yếu vẫn do người thợ thì chủ quan, xem thường tai nạn; người sử dụng lao động hám lời, coi rẻ mạng sống người thợ. Nhiều máy, thiết bị, công cụ sản xuất không bảo đảm an toàn vẫn đưa vào sử dụng; không huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động; không bảo đảm điều kiện làm việc và môi trường làm việc an toàn cho người lao động theo quy định tại các tiêu chuẩn... Và còn phải kể đến điều kiện và môi trường làm việc của các DN chưa đủ tiêu chuẩn nếu không muốn nói là xấu. Đa số nhà xưởng cũ kỹ, tạm bợ, không đúng kiểu dáng công nghiệp, bố trí xen lẫn trong khu dân cư, không có các công trình xử lý khí thải, nước thải, chất thải đúng quy chuẩn. Thêm vào đó, là các yếu tố nguy hiểm và có hại trong môi trường sản xuất vượt giới hạn cho phép nhiều lần chiếm tới trên 30%.
 Tại khu vực nông thôn, số vụ TNLĐ xảy ra không phải ít, nhưng do người lao động chủ yếu làm trong các ngành nghề truyền thống và tập trung ở những hộ gia đình và DN nhỏ nhiều hơn. Cho nên, việc phòng ngừa và thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ ở nông thôn nhiều năm qua vẫn bị bỏ quên.
TNLĐ là một mối nguy lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức cả với người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước ta đã có hàng trăm văn bản pháp luật nhằm hạn chế TNLĐ, nhưng số tai nạn xảy ra vẫn còn nhiều, không chỉ tốn kém hàng trăm tỷ đồng mà còn làm giảm năng suất lao động, giảm tỷ lệ tăng trưởng và gây biết bao đau xót cho những cá nhân và gia đình không may.
An toàn vệ sinh lao động không chỉ là vấn đề quốc gia mà đã trở thành vấn đề quốc tế. Giảm thiểu TNLĐ sẽ giúp cho người lao động được hưởng các lợi ích trong cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường... Vì vậy, nâng cao ý thức an toàn lao động là bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, điều đó phụ thuộc vào nhận thức của chính các DN và người lao động.