Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Tây Hồ: Mô hình trồng sen Bách Diệp đạt trên 90%

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 7/8, UBND quận Tây Hồ tổ chức hội thảo nghiệm thu và tổng kết mô hình trồng sen Bách Diệp trên địa bàn.

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 4/2024, với diện tích 7ha ở 2 hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ. Trồng 7.000 cây sen giống Bách Diệp, mỗi hồ là 3.500 cây sen giống và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên các ao/hồ thuộc quận trong những năm tiếp theo.

Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cáo báo tại hội thảo.
Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cáo báo tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Gia Hùng - Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, sau 4 tháng triển khai, 100% hộ dân trồng sen trên địa bàn quận được tập huấn kỹ thuật về trồng sen Bách Diệp. Từ 7.000 cây sen giống, hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ đã tạo ra 55.000 bông, tỉ lệ bông sen bao phủ trên diện tích hồ là 90%, giá trị kinh tế ước tính đạt trên 350 triệu đồng.

Quá trình trồng, chăm sóc sen tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ nói riêng và các hồ sen trên địa bàn quận nói chung đã đạt kết quả tốt, tạo tiền đề phục vụ Lễ Hội sen Hà Nội - lần 1 năm 2024 thành công tốt đẹp và tiến tới thực hiện Đề án trồng Sen cho các năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.

“Thời gian tới, quận Tây Hồ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng” - ông Hùng cho biết thêm.

Chủ đầm sen Đầu Đồng Kiểu Quốc Oanh phát biểu tại hội thảo.
Chủ đầm sen Đầu Đồng Kiểu Quốc Oanh phát biểu tại hội thảo.

Ông Kiều Quốc Oanh - chủ đầm sen Đầu Đồng cho biết, mô hình trồng và nhân rộng sen Bách Diệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái. Từ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, đầm sen của gia đình đã phát triển rất tốt và cho thu hoạch bội thu, trên 35.000 bông sen.

"Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân mà còn tạo ra điểm đến hấp dẫn cho du khách, giúp thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và bảo tồn nét đẹp tự nhiên cũng như văn hóa truyền thống” - ông Oanh cho biết thêm.

Chủ đầm sen Thủy Sứ Bùi Thị Bảo Anh phát biểu tại hội thảo.
Chủ đầm sen Thủy Sứ Bùi Thị Bảo Anh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, bà Bùi Thị Bảo Anh - chủ đầm sen Thủy Sứ cho biết, trong quá trình triển khai mô hình, UBND quận Tây Hồ đã thường xuyên kiểm tra vùng trồng để ghi nhận sự phát triển của cây sen. Qua đó kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Mô hình sen Bách Diệp hồ Tây, Hà Nội.
Mô hình sen Bách Diệp hồ Tây, Hà Nội.

“Mô hình phát triển sen Bách Diệp không chỉ được trồng và chăm sóc một cách bài bản, mà còn được phát triển thành sản phẩm có thương hiệu là trà sen Tây Hồ. Mong rằng, trong tương lai, chính quyền quận Tây Hồ sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là các dự án liên quan đến sen Tây Hồ. Điều này sẽ giúp cho sen có thể mọc quanh năm, tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và thu hút du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm” - bà Bảo Anh cho biết thêm.