Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Thanh Xuân đầu tư mạnh, triển khai nhiều mô hình hay trong giáo dục

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Sáng nay (2/4), đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế một số trường học tại quận Thanh Xuân để nắm bắt kết quả thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn quận từ năm 2016 đến nay.

 Đoàn khảo sát khu vực bếp ăn Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc.
 Đoàn đã đến khảo sát các trường Mầm non Thanh Xuân Bắc, THCS Việt Nam-Angieri, THCS Thanh Xuân, THCS Phan Đình Giót. Trong đó, khảo sát trực tiếp khu vực bếp ăn của các trường; khu vực phục vụ bán trú, công trình bể bơi, nhà thể chất cho học sinh tại trường chất lượng cao THCS Thanh Xuân, mô hình giàn hoa tại sân trường THCS Việt Nam-Angieri, hệ thống thiết bị xử lý nước uống tinh khiết (uống tại vòi) của Trường THCS Phan Đình Giót..., đoàn ghi nhận quận Thanh Xuân rất cố gắng ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất các trường học, với nhiều mô hình hay cần nhân rộng.
 Đoàn khảo sát mô hình giàn hoa tại Trường THCS Việt Nam - Angieri.
Theo lãnh đạo UBND quận, với chủ trương đầu tư quyết liệt cho giáo dục, gần đây, mỗi năm quận dành tới 60-80% tổng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này. Đến nay, quận có 44 trường học công lập do quận quản lý, trực tiếp chỉ đạo và 27 trường ngoài công lập tại các cấp mầm non, tiểu học, THCS, trong đó 31 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (còn lại do chưa đạt tiêu chí về diện tích). Thanh Xuân đã 4 năm liền được xếp dẫn đầu TP về giáo dục, với nhiều trường công lập có học sinh đạt giải thi học sinh giỏi quốc tế. Năm học tới, quận sẽ đưa vào hoạt động 5 ngôi trường mới.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu chia sẻ, gần đây quận triển khai rất tốt nhiều mô hình hay tại các trường học, đó là: Mô hình vệ sinh công nghiệp, mô hình lắp camera an ninh quanh tường rào các trường công lập kết nối với Công an phường, mô hình bảo vệ chuyên nghiệp, mô hình giàn hoa, mô hình quản trị trường học chuyên nghiệp. Cùng với đó là các mô hình về giảng dạy, đầu tư cho giáo viên để tạo nòng cốt cho các trường… Quận cũng đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo quận với các cán bộ quản lý giáo dục nhằm nắm bắt khó khăn cũng như mô hình mới cần nhân rộng trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.
 Đoàn khảo sát mô hình nước sạch (uống tại vòi) tại Trường THCS Phan Đình Giót.
Đặc biệt, “một mô hình rất hay vừa được quận triển khai thí điểm tại 2 trường là mô hình nước sạch, với việc lắp hệ thống lọc nước hiện đại của Hàn Quốc, được Trung tâm kiểm định-Sở Y tế Hà Nội định kỳ cử cán bộ đến kiểm tra, khẳng định an toàn như nước trong bình. Từ một phòng lọc đặt tại trường mở ra vòi nước ở hành lang các lớp cho học sinh uống trực tiếp tại vòi. Nếu thí điểm hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ triển khai mở ra nhiều vòi nước như vậy ở các cổng trường và công viên trên địa bàn cho người dân sử dụng. Nhà đầu tư cũng cam kết, mô hình này càng được nhân rộng ở nhiều trường thì chi phí học sinh phải đóng góp sẽ càng thấp (hiện mỗi học sinh đóng 10.000 đồng/tháng”, ông Lưu cho hay.
Tuy nhiên, theo UBND quận, khó nhất hiện nay trong công tác giáo dục là dân số trên địa bàn tăng nhanh do cư dân ngày càng tăng ở các chung cư tại quận, dẫn đến số học sinh các cấp học tăng, tạo áp lực lớn cho các trường công lập trong tuyển sinh vì chưa mở rộng được quy mô tăng lớp trong khi diện tích đất hạn chế. Nên, quận đề xuất TP khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần quy định cụ thể các khu chung cư, khu đô thị xây mới phải quy hoạch xây đủ trường học theo nhu cầu, trong đó ưu tiên quỹ đất xây trường công lập và không điều chỉnh sang mục đích khác. Với những trường mầm non do các đơn vị ngoài quận quản lý, TP cần chỉ đạo sớm bàn giao quận quản lý để đầu tư xây trường công lập theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia phục vụ con em trên địa bàn.