Quận Thanh Xuân:Đối thoại với công dân về GPMB dự án tu bổ Gò Đống Thây

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/7, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng khẳng định trình tự, thủ tục triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng khẳng định trình tự, thủ tục triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 17/3/2022, UBND quận Thanh Xuân đã tổ chức hội nghị thông báo tới các tổ chức, hộ dân về kế hoạch, tiến độ thu hồi đất, GPMB và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Đồng thời, tại các buổi tiếp dân, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã trả lời làm rõ các ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn tiếp tục kiến nghị được đối thoại với các sở, ngành và lãnh đạo quận để làm rõ các nội dung liên quan dự án.

Liên quan việc triển khai dự án, vấn đề được các hộ dân quan tâm đặt câu hỏi gồm tính pháp lý của văn bản do UBND Thành phố Hà Nội ban hành về việc giao UBND quận Thanh Xuân lập và thực hiện dự án; tính pháp lý của ranh giới điều chỉnh phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích và thể thức văn bản chấp thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về điều chỉnh, khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích.

UBND quận Thanh Xuân tổ chức đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.
UBND quận Thanh Xuân tổ chức đối thoại với các tổ chức, công dân đang sử dụng đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân đã trao đổi, làm rõ từng vấn đề người dân quan tâm. Đồng thời, đại diện UBND quận tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến kiến nghị của người dân để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Nhấn mạnh việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây trở thành “Công viên văn hóa lịch sử” là rất cần thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng khẳng định trình tự, thủ tục triển khai dự án đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công và quản lý di sản. Đến nay, quận đã phê duyệt 53/63 phương án bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, hộ dân trong dự án này và tới đây sẽ hoàn thành phê duyệt dự án, chi trả tiền cho phần được duyệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng, với hiện trạng hiện nay, di tích Gò Đống Thây không phát huy được hết các giá trị to lớn và quý giá vốn có; vì vậy, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích này là rất cần thiết. Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng mong muốn các tổ chức, hộ dân ủng hộ, phối hợp với tổ công tác để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của quận Thanh Xuân diễn ra hồi tháng 1/2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Di tích Gò Đống Thây đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, là di tích lịch sử rất có ý nghĩa không những đối với quận Thanh Xuân, mà đối với cả với Thăng Long - Hà Nội nhưng hiện trạng rất nhức nhối. Do đó, quận phải quyết tâm tôn tạo di tích Gò Đống Thây; nếu không quyết tâm thực hiện, sau này không còn di tích đó nữa, chúng ta sẽ có tội với tổ tiên, có tội với con cháu mai sau…