Thursday, 08:07 23/07/2015
Quan trọng, cấp bách và nhân văn
Kinhtedothi - Sáng 22/7, Sở LĐTB&XH đã công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở xã hội (CSXH) trên địa bàn TP đến năm 2020 của UBND TP Hà Nội, có hiệu lực từ 22/5/2015.
Mục tiêu của Quy hoạch là đảm bảo mức sống của người có công (NCC) cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa phương cư trú; cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đổi mới quản lý và điều trị tập trung bắt buộc sang tự nguyện. Theo Quy hoạch, đảm bảo tiếp nhận 100% NCC thuộc diện hưởng chính sách có nhu cầu được nuôi dưỡng và điều dưỡng tập trung tại CSXH theo quy định. Đảm bảo quy mô tiếp nhận nuôi dưỡng và điều dưỡng tập trung NCC của các cơ sở đến năm 2020 là 18.500 người và đến năm 2030 là 21.500 người. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng chính sách có nhu cầu được tiếp nhận nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, tăng quy mô công suất tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung đối tượng bảo trợ xã hội và các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Quy hoạch duy trì 5 CSXH chăm sóc NCC hiện có và thành lập một trung tâm nuôi dưỡng và tẩy độc dành cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học có nhu cầu được nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. Ngoài ra, sẽ đổi tên 3 trung tâm có thêm chức năng mới. Dự kiến, công suất tiếp nhận của Trung tâm nuôi dưỡng và tẩy độc TP Hà Nội là 300 giường, công suất tiếp nhận điều dưỡng NCC là 1.075 giường. Đối với mạng lưới CSXH dành cho đối tượng tệ nạn xã hội giữ nguyên 10 cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập hiện có. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật của mạng lưới trạm y tế xã/phường/thị trấn đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác điều trị cai nghiện... Theo Quy hoạch, sẽ tập trung đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp điều kiện hạ tầng cơ sở của các CSXH công lập và ngoài công lập. Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2020, dự kiến nhu cầu đầu tư để triển khai thực hiện 28 dự án phát triển mạng lưới CSXH công lập và ngoài công lập với tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 1.760 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP đảm bảo khoảng 1.358 tỷ đồng (chiếm 72% tổng đầu tư); giai đoạn 2021 - 2030 ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP là 1.246 tỷ đồng (35,6%). Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt khẳng định, việc quy hoạch là nội dung vừa thiết thực và rất cấp thiết. Bởi Hà Nội đã làm, nhưng từ lâu chưa có quy hoạch, nên các cơ sở cứ ngóng chờ không biết được làm thế này có ổn không, có đúng yêu cầu xã hội không. Bên cạnh đó, quy hoạch rất cấp thiết bởi hiện nay nhu cầu rất lớn, rất bức xúc. Để việc triển khai Quy hoạch có hiệu quả, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở LĐTB&XH và các sở, ban, ngành TP đặc biệt chú ý 4 yêu cầu. Thứ nhất, quán triệt sâu sắc 4 quan điểm lớn, quan trọng đã ghi trong Quy hoạch để xem xét, xử lý từng vấn đề cụ thể. Thứ hai, tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là về cơ chế chính sách để cộng đồng, DN biết và có thể tham gia theo hình thức xã hội hóa. Thứ ba, rà soát, điều chỉnh, ban hành các chính sách, văn bản pháp lý trên cơ sở Quy hoạch. Thứ tư, đồng thời xây dựng đề xuất các chương trình, đề án đầu tư đất đai, nhân lực cho việc triển khai; cụ thể hóa các cơ chế chính sách của T.Ư, TP và công bố công khai để thu hút được nhiều nguồn lực xã hội, nhiều đối tượng tham gia chung tay với Nhà nước lo việc đầy quan trọng và phức tạp này. Ngoài ra, Sở LĐTB&XH chủ trì cùng các sở định kỳ đánh giá các điều kiện sinh hoạt của NCC và các đối tượng xã hội tại các CSXH để xem có thực hiện đúng định hướng quan điểm của quyết định phê duyệt kế hoạch. Tổ chức tốt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thực hiện và định kỳ đánh giá điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cuối cùng là huy động nguồn lực, mở rộng xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, DN.