Thủ đô Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến, anh hùng, mà còn được các tổ chức thế giới vinh danh là “Thành phố hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để Hà Nội trở thành điểm đến tin cậy, thường xuyên của các sự kiện quốc tế sẽ còn nhiều việc phải cần phải làm trong thời gian tới.
Bài 1: Dấu ấn qua từng sự kiện
Những năm qua, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của khu vực và thế giới. Điều đó không chỉ cho thấy, Hà Nội có đủ năng lực, điều kiện để tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế mà còn thể hiện sự tin cậy cao của các nước dành cho Thủ đô.
Hòa mình trong dòng chảy thời đại
Khi hội nhập và hợp tác đa phương đang phát triển, Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá hòa mình vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập mang lại. Những năm qua, Hà Nội đã chủ động phát huy những tiềm năng của một TP rộng lớn, năng động, không ngừng nỗ lực mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đóng góp cho sự phát triển của TP trong giai đoạn mới, đồng thời nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Đến nay, Hà Nội có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng.
Sự an toàn, tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp của Hà Nội đã được thể hiện rõ nét qua hàng loạt hội nghị quốc tế được tổ chức tại đây trong thời gian qua. Đơn cử qua việc Hà Nội tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (ngày 27 và 28/2/2019).
Thời điểm đó, sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trên chuyên cơ Không lực một, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức đăng tải trên mạng xã hội Twitter một dòng trạng thái bày tỏ cảm ơn đối với sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo và người dân Hà Nội: "Tôi vừa mới đến Việt Nam. Xin cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Những đám đông rất lớn và rất nhiều tình cảm". Không khí chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội tại thời điểm đó cũng để lại dấu ấn đối với các phóng viên AFP.
Hãng tin của Pháp viết: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới Hà Nội và đông đảo người dân cổ vũ bằng cờ và hoa”. Báo chí quốc tế dành sự chú ý đến chi tiết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un chủ động hạ thấp cửa kính chống đạn ở khoang xe ông đang ngồi và vẫy tay chào người dân Việt Nam sáng 26/2/2019, một hành động không có tiền lệ.
Trước đó, nhiều câu chuyện về người dân Thủ đô thân thiện, niềm nở, sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình các vị khách quốc tế đã được chia sẻ rộng rãi. Tự nguyện trang trí cửa hàng chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, cung cấp dịch vụ cắt tóc miễn phí, tổ chức các chuyến du lịch, trải nghiệm, khám phá TP cho phóng viên nước ngoài... không chỉ là sự quảng bá hình ảnh mà còn thể hiện những tình cảm trân trọng của chính quyền và người dân Hà Nội dành cho hội nghị cũng như đông đảo phóng viên quốc tế đến với Thủ đô dịp này.
Cơ hội không thể tốt hơn
Trong 2 năm qua, khi bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có nước ta, gây thiệt hại lớn ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đã chủ động, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương và quyết sách đúng, trúng với tinh thần quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn của TP. Nhờ đó, Hà Nội đã được lựa chọn là địa phương chính tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu của Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), diễn ra từ 12 - 23/5/2022.
Để chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) - sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á là sự kiện có ý nghĩa về văn hóa, chính trị, ngoại giao và kinh tế, là dịp quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình; Thành phố hấp dẫn, an toàn và thân thiện, Hà Nội đã tổ chức phát động đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn TP để xây dựng Thủ đô “sạch, đẹp, ấn tượng” chào mừng SEA Games 31, với quy mô, phạm vi đảm bảo đến từng thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình, đường làng, ngõ phố; các địa điểm công cộng; cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thương mại…
Đồng thời, phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Người tốt - Việc tốt”; triển khai thực hiện các tiêu chí “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” “Tổ dân phố văn hóa”…
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài sự chủ động chào đón sự kiện SEA Games 31 mang ý nghĩa quảng bá về những giá trị văn hóa, tinh thần, thì SEA Games 31 còn là “cú hích” để du lịch Hà Nội phục hồi và phát triển, sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành Du lịch được hưởng lợi ích kép, vừa đón được khách quốc tế, vừa quảng bá được hình ảnh và đó là cơ hội “vàng” cho du lịch Thủ đô.
Để chuẩn bị cho cơ hội “không thể tốt hơn” này, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động “làm mới” theo hướng đa dạng, phong phú hơn như: Tour đêm Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, rồi tới các sản phẩm khai thác các giá trị lịch sử kết hợp không gian văn hóa tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, làng gốm Bát Tràng... Du lịch sinh thái vùng ngoại thành có các khu du lịch, resort tại huyện Ba Vì, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây... được đầu tư chuyên nghiệp, cảnh quan không gian đẹp.
Ngành Du lịch Hà Nội xây dựng và lựa chọn một số tour, chương trình du lịch tiêu biểu tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực độc đáo của Hà Nội, qua đó giới thiệu với khách tham dự SEA Games 31 để có những trải nghiệm đặc biệt về Hà Nội.
Các DN Hà Nội đang xây dựng những tour ngắn ngày tham quan ngay tại Hà Nội cũng như các điểm lân cận phục vụ khách tham dự SEA Games 31. Trong đó, các DN tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa nội đô Hà Nội, trải nghiệm du lịch xanh bằng xe đạp thăm các di tích và ngoại thành Hà Nội, tour tham quan chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ Đường Lâm...
Sống trong bầu không khí SEA Games 31 đang diễn ra tại Hà Nội những ngày này, người dân Thủ đô đều cảm nhận rõ âm hưởng của hòa bình, tình hữu nghị lan tỏa tự nhiên
. Huấn luyện viên, vận động viên, du khách đến Hà Nội vào dịp SEA Games 31 đều rất vui khi thong thả chạy bộ qua những ngõ nhỏ, phố nhỏ; trên mạng xã hội, cư dân mạng thấy hình ảnh mẹ của một vận động viên Singapore “check in” trong lúc tranh thủ ghé một cửa tiệm bình dân thưởng thức miến lươn, phở gà, “bún chả Obama”… giữa nhịp sống thanh bình, thân thiện. Việc được lựa chọn là nơi diễn ra các sự kiện khu vực và quốc tế lớn đang thôi thúc Hà Nội ngày càng tỏa sáng những niềm tự hào mới.
"SEA Games 31 không chỉ là sự kiện thể thao, mà còn là sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của đất nước, khu vực. TP Hà Nội vô cùng vinh dự, tự hào khi được chọn là địa điểm tổ chức 18/40 môn thi đấu, đặc biệt được đăng cai tổ chức 2 sự kiện quan trọng nhất của Đại hội là Lễ khai mạc và bế mạc.
Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 thành công rực rỡ, “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a stronger SouthEast Asia” đúng như chủ đề của Đại hội.
Mỗi người dân Thủ đô hãy là một nhịp cầu, một đại sứ hòa bình, kết nối, lan tỏa văn hóa, tinh thần, truyền thống, phong cách người Tràng An, để lại trong lòng người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh ấn tượng về một Thủ đô Hà Nội văn minh, văn hiến, TP Vì hòa bình, trái tim của cả nước" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 TP Hà Nội
"SEA Games tại Việt Nam được tổ chức với bầu không khí ấm áp, thân thiệt và mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Nơi ở của các vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên của đoàn thể thao Philippines rất thoải mái." - Trưởng đoàn thể thao Philippines Ramon Fernandez
(Còn nữa)