Quảng bá hình ảnh Hà Nội: Thay đổi để hướng đến những mục tiêu xa hơn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Hà Nội đã triển khai phong phú các hình thức ngoại giao.

>>> Bài 1: Dấu ấn qua từng sự kiện

>>> Bài 2: Mỗi người dân Thủ đô là một đại sứ văn hóa

Với truyền thống lịch sử hào hùng cùng những di sản của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội ngày nay đã và đang vươn mình trở thành một TP hiện đại bậc nhất khu vực, địa điểm tin cậy để tổ chức, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế, góp phần nâng cao sự hiểu biết về vị thế và tiềm năng của Thủ đô Hà Nội.

Để tiếp tục khẳng định vị thế, quảng bá hình ảnh Thủ đô điểm đến của hòa bình và sáng tạo trên thế giới, Hà Nội cần tiếp tục duy trì ổn định an ninh, chính trị; phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến.

Khẳng định qua hành động

Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Hà Nội đã triển khai phong phú các hình thức ngoại giao. Một trong những điểm nhấn của tinh thần đổi mới, sáng tạo của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách qua việc tổ chức các sự kiện, chương trình của khu vực, quốc tế như 2 lần tổ chức SEA Games, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Di tích Hoàng Thành - Thăng Long, một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hải Linh
Di tích Hoàng Thành - Thăng Long, một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hải Linh

Theo các chuyên gia, để tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy của khu vực, quốc tế, Hà Nội cần tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ hệ thống văn hiến của Thủ đô, từng bước tạo dựng bản sắc của Hà Nội, biến đó trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội chia sẻ: “Tôi cho rằng, mọi lời tuyên truyền về Hà Nội thân thiện, mến khách không bằng việc chúng ta tổ chức tốt các sự kiện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và để lại trong lòng người dân, du khách trong nước, khu vực, quốc tế những tình cảm không gì thay thế được, đó là vô giá của Hà Nội, rất đáng trân trọng”.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Hà Nội cần tiếp tục phát huy đối ngoại văn hóa, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, TP sáng tạo, tiếp tục đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế. Đồng thời, Hà Nội cần tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa đặc thù như: Người Hà Nội thanh lịch văn minh; Thủ đô có hàng ngàn năm lịch sử văn hóa, cách mạng; văn hóa ẩm thực phong phú.

“Trước đây, chúng ta tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá thương hiệu, uy tín, nâng cao đời sống tinh thần. Nhưng để nâng cao vị thế cần phải đổi mới tư duy là tổ chức sự kiện để nâng cao đời sống vật chất. Chúng ta phải thấy rõ văn hóa là nguồn lực, tài sản có thể đem lại giá trị kinh tế, không chỉ làm cho vui. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, TP Hà Nội cần xây dựng kế hoạch, chương trình để giữ gìn, phát huy các giá trị một cách chuyên nghiệp” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, văn hóa Hà Nội ngày nay không thể không đi đầu trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng quốc tế.

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương qua các đoàn ngoại giao, các nhà hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và khách du lịch; nơi các hoạt động giao lưu văn hóa thường xuyên diễn ra giữa các địa phương trong và ngoài nước; nơi tập trung hàng nghìn trí thức hàng đầu của cả nước, hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế với đủ các ngành nghề học tập và sinh sống; nơi có kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể giàu có và độc đáo; nơi được đầu tư phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội... Nơi ấy có vinh dự và nghĩa vụ phải đi đầu.

Bên cạnh những lợi thế cần phát huy, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Hà Nội cũng cần khắc phục những hạn chế. Đơn cử, TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề: “Muốn tổ chức tốt các sự kiện, giao thông Hà Nội cần đặt câu hỏi đã đáp ứng chưa? Giao thông khi tổ chức các sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế không phải là để đi lại thông thường mà cần đáp ứng nhiều yếu tố khác.

Mấy ngày qua, Hà Nội ngập úng, rất may không vào thời điểm quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần nghiêm túc khắc phục những việc ở đời sống đô thị còn hạn chế. Qua đó, chúng ta nâng cao hiệu quả và cách thức để tổ chức sự kiện, vừa thể hiện nét văn hóa, vừa đem lại giá trị về vật chất”.

Không chủ quan, lơ là

Lần thứ hai đăng cai SEA Games của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Tác động của đại dịch Covd-19 đã khiến nước chủ nhà buộc phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022.

Rất nhiều khó khăn, thử thách đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khi phải tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực trong bối cảnh đại dịch vừa được kiểm soát sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Nhưng những gì thể hiện trong gần 1 tháng diễn ra SEA Games đã cho thấy một Hà Nội mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Qua đó, Hà Nội góp phần gửi đi thông điệp về một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giữa bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động và thách thức lớn lao.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội hội khóa VIII cho rằng: “Với SEA Games 31, hẳn bất kỳ ai cũng đều thấy rõ Hà Nội đã làm hết sức mình cho một kỳ SEA Games thành công, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nơi tập luyện, thi đấu, nơi ăn, nghỉ của các đoàn thể thao đến phương án phân luồng giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, tổ chức lực lượng tình nguyện viên, trang hoàng đường phố...

Cùng đó, Hà Nội cũng đã làm hết sức mình để quảng bá hình ảnh Thủ đô, tận dụng cơ hội thúc đẩy du lịch, thương mại. Các DN lữ hành, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề đã xây dựng sản phẩm đặc sắc khám phá văn hóa, truyền thống, lịch sử Hà Nội, tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực độc đáo. Điều đó nói lên, Hà Nội có khả năng tổ chức tốt các sự kiện mang tầm khu vực, quốc tế.

Tuy nhiên, để tiếp tục được tin tưởng, lựa chọn là nơi tổ chức, diễn ra các sự kiện lớn khác, Hà Nội không được chủ quan, lơi là, cần tiếp tục duy trì các điều kiện về an ninh, chính trị; đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước; tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với các thủ đô, TP, vùng địa phương của các nước và các tổ chức quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của Thủ đô; tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, đồng thời đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia.


Thực tế cho thấy, với phương châm xuyên suốt “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa để mở rộng, nâng cao và phát huy hiệu quả công tác đối ngoại, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.

 

Phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu
Ngày 5/5/2022, thay mặt Bộ Chính trị (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị vừa được ban hành, các mục tiêu cụ thể đã được xác định rõ. Trong đó, đến năm 2030, Hà Nội là TP "văn hiến, văn minh, hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội phải cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 12.000 - 13.000 USD.

Năm 2045, Hà Nội sẽ là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao, thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000USD...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần