Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Chương trình tổng thể về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt, Chính phủ yêu cầu quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Văn hoá đất nước được biết đến nhiều hơn

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, sản xuất các sản phẩm văn hóa; xây dựng các cơ sở, công trình văn hóa, lịch sử.

Sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa - Monsoon Music Festival sẽ trở lại trong năm 2023, kéo dài từ 14 – 22/10 tại Hà Nội. Ngày 9/5, trong buổi gặp gỡ truyền thông, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, lễ hội âm nhạc sẽ có sự tham gia của 40 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và tính ra là 4.000 phút chơi nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp TP.

Khán giả đội mưa thưởng thức âm nhạc tại Monsoon Music Festival 2019.
Khán giả đội mưa thưởng thức âm nhạc tại Monsoon Music Festival 2019.

Theo BTC, từ năm nay, Monsoon Music Festival sẽ tạo cơ hội cho các ban nhạc trẻ trong nước và quốc tế có cơ hội đăng ký biểu diễn tại các sân khấu, nhằm tạo điều kiện tiếp cận và giới thiệu tới công chúng các dự án âm nhạc chất lượng, góp phần nâng cao năng lực của nghệ sĩ Việt Nam và từng bước góp phần xây dựng nền công nghiệp âm nhạc sáng tạo.

Sau 5 lần tổ chức, nhạc hội đã đón hơn 225.000 khán giả trong nước và những du khách quốc tế tới du lịch Hà Nội. Hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã tham gia biểu diễn qua các năm, trong đó có nhiều tên tuổi được yêu thích như ban nhạc Scorpions (Đức), nữ ca sĩ Joss Stone (Anh), nhóm Kodaline (Ireland), nhóm ADOY (Hàn Quốc), Los Frequencies (Bỉ), Hyukoh (Hàn Quốc) hay nhóm Bond (Anh).

Đang diễn ra tại Hà Nội, chuỗi sự kiện “Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế” do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội thu hút hơn 100 nhiếp ảnh gia, giám tuyển, diễn giả và chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Việt Nam và quốc tế.

Nói về ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện nhiếp ảnh quốc tế ở Hà Nội, Giám đốc Viện Pháp Việt Nam tại Hà Nội Thierry Vergon chia sẻ: Những gì chúng tôi mong đợi chính là mang tới một diện mạo xứng tầm với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. 

Đối với Hà Nội, chương trình sẽ góp phần đáng kể vào việc phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh văn hóa của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp về vai trò quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của TP. Sự kiện cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các sáng kiến, dự án văn hóa trong khuôn khổ Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thông qua tổ chức các sự kiện gắn với đa dạng hóa các loại hình sáng tạo nghệ thuật.

LHP quốc tế Hà Nội thu hút nhiều nhà làm phim quốc tế.
LHP quốc tế Hà Nội thu hút nhiều nhà làm phim quốc tế.

Sau LHP quốc tế Hà Nội (Haniff), VN có LHP quốc tế Ðà Nẵng (Daniff) là nơi có thể tìm đến để trải nghiệm văn hóa Việt, cũng như làm quen với các nghệ sĩ điện ảnh tài năng trong nước. Cũng có cả lớp diễn xuất của nghệ sĩ Hàn Quốc tại đây. Theo đạo diễn Lê Quý Dương, thành viên ban tổ chức Daniff, để quảng bá văn hoá, cùng với việc mang văn hoá ra nước ngoài có thể thông qua các sự kiện chất lượng, có yếu tố quốc tế, được tổ chức trong nước.

Tạo hành lang pháp lý

Theo Đề cương về văn hóa năm 1943, một dân tộc độc lập phải có một nền văn hóa độc lập và muốn quảng bá văn hóa thì phải xuất khẩu được văn hóa, phải để công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Chúng ta lại đang thiếu khung thống kê về văn hóa quốc gia làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, dự đoán xu hướng phát triển của ngành và thu hút đầu tư nhiều hơn từ các khu vực công và tư nhân cho phát triển văn hóa.

“Thiếu cơ sở dữ liệu gây ảnh hưởng tới giá trị lý luận và thực tiễn của công tác hoạch định chính sách ngành văn hóa. Muốn định vị, quảng bá văn hóa thì phải có số liệu, thông tin thuyết phục, chứ không thể nói suông. Đề cương năm 1943 xác định văn hóa là một mặt trận, vậy chúng ta không thể chiến đấu nếu như không biết trong tay chúng ta đang có gì” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

Mặt khác, ở nhiều lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, cổ vật việc đưa văn hóa ra thế giới vẫn đang ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Đơn cử, phim “Những đứa trẻ trong sương” vào top 15 phim tài liệu tại Oscar nhận tài trợ của quỹ điện ảnh Busan Hàn Quốc, một số quỹ khác của châu Á. Nhờ đó, đạo diễn Hà Lệ Diễm có kinh phí trả lương cho khâu dịch tiếng Mông cũng như dựng phim, hậu kỳ.

Thời gian quan, theo các chuyên gia hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trở nên gần gũi hơn đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới chiếm 3,61% nghĩa là mới chỉ mức trung bình của thế giới.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025.

Chương trình đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:

1- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.

2- Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.

3- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.

4- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của Nhân dân.

5- Phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa.

6- Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.

7- Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.

8- Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình.