Quảng Bình: Cây “Sâm” quý đang mọc từ vùng đất cát

Bùi Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sa sâm là loài dược liệu quý mọc hoang, một hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm và bước đầu thành công trên vùng đất cát Quảng Bình.

Dược liệu quý dễ thích nghi với môi trường

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã và đang chú trọng thực hiện các mô hình chuyên canh trồng rau sạch cung ứng ra thị trường, tạo sinh kế và góp phần nâng cao thu nhập. Để tìm hướng đi mới, ngoài chuyên canh trồng rau sạch, bà con nông dân đã chủ động đầu tư vào các loài cây dược liệu quý.

“Sa Sâm” hay còn gọi là Sâm biển, loài cây mang cái tên đặc biệt, có vị hơi đắng, ngọt và tính mát được giới y học cổ truyền dùng như một vị thuốc bổ để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, nhất là dùng để chữa viêm phế quản, ho khan, sốt, sản phụ ít sữa …. Đang dần “mọc” lên và khẳng định giá trị dưới bàn tay của người dân nơi đây.

Sa sâm là loài dược liệu quý mọc hoang đã được trồng thử nghiệm
Sa sâm là loài dược liệu quý mọc hoang đã được trồng thử nghiệm

Để tận dụng được nguồn đất đai rộng lớn và để tìm hướng đi mới cho Hợp tác xã (HTX) trồng rau của mình, ông Dương Văn Sánh (70 tuổi), Chủ nhiệm HTX Dũng Na cùng con trai là Dương Quốc Phong - kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình đã thử nghiệm trồng cây sa sâm.

Vào tháng 5/2020, ông Sánh đã cùng con trai bỏ tiền đầu tư hơn 16.000 cây giống, trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1.000 m2. Đây là mô hình trồng cây sâm biển đầu tiên tại Quảng Bình, cũng là một trong những mô hình tiên phong của miền Trung.

Ông Dương Văn Sánh cho biết, cây Sa sâm thực chất là một loại rau, mọc ở ven đồi cát ở tỉnh Bến Tre. Nhiều năm nay bà con trong đó thường hái lá nấu canh, nấu nước uống còn củ thì để ngâm rượu chứ không khai thác với mục đích kinh tế, thậm chí có nhiều người xem đây là loại cây dại nên đào bỏ. Nhưng khoảng 2 năm nay, nhiều nhà khoa học bất ngờ phát hiện giá trị dinh dưỡng cao trong loài cây này và khẳng định đây là giống cây dược liệu quý nên gia đình ông quyết chí trồng thử ở vùng đất cát Quảng Bình.

Sa sâm đang được trồng tại HTX Dũng Na
Sa sâm đang được trồng tại HTX Dũng Na

“Để trồng được giống cây này, con trai tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm trồng từ sách báo và thực tế ở các mô hình thành công khác. Giống sa sâm này có giá tương đối cao, hiện cây giống có giá 2.000 đồng/cây, nhưng chỉ ở tỉnh Bến Tre mới có. Kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản, chỉ cần làm đất, xử lý đất bằng vôi bột, chuẩn bị đầy đủ phân bón và thiết bị canh tác rồi trồng như các loại rau bình thường khác.” - ông Sánh nói.

Thời gian này, tại HTX của gia đình ông, những cây sa sâm đang phát triển tươi tốt, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng. Sau hơn một năm kinh nghiệm canh tác giống cây này, ông Sánh cho hay cây Sa sâm rất kỵ nước nên không phát triển được vào mùa mưa (thường xảy ra ngập úng). Còn đến mùa nắng, cây này lại xanh tươi. Nhiều cây sa sâm phát triển tốt, có chiều cao trung bình khoảng 15-25cm, mọc thẳng đứng. Thân cây mọc bò, mỗi rễ có khoảng từ 2-3 thân, lá rất nhiều, kiểu hình thù xẻ lông chim, hiếm khi có sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc hơn các loài cây trồng khác.

Đưa “Sa sâm” trở thành thương hiệu của vùng đất Quảng Bình

Ngoài giá trị truyền thống là một phương thuốc chữa bệnh, ngay nay, nhờ những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, cây Sa sâm đã có chỗ đứng trên thị trường, cho giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện, Sa sâm được bán trên thị trường với giá trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, còn củ làm dược liệu nên sẽ có giá bán cao hơn.

Khi chọn trồng giống cây đặc biệt này, gia đình ông Dương Văn Sánh ấp ủ kỳ vọng đưa thương hiệu cây giống dược liệu quý hiếm này trở thành sản phẩm mới, đặc thù của vùng đất cát ven biển Quảng Bình.

Theo ông Sánh, cây Sa sâm phải trồng trên 2 năm mới khai thác được, dù chỉ mới trồng thử nghiệm, chưa chính thức khai thác nhưng nhiều người đã đến"đặt hàng" loại sâm biển này với HTX.

Ông Dương Văn Sánh kỳ vọng laoif cây này sẽ trở thành sản phẩm đặc thù, thương hiệu của vùng đất cát Quảng Bình
Ông Dương Văn Sánh kỳ vọng laoif cây này sẽ trở thành sản phẩm đặc thù, thương hiệu của vùng đất cát Quảng Bình

"Nếu lứa đầu tiên đưa vào khai thác mà thu lợi nhuận cao thì sắp tới, ngoài việc trồng rau sạch gia đình sẽ mở rộng, đầu tư thêm diện tích để trồng cây Sa sâm. Tôi đặt kỳ vọng từ giống cây này, nếu nó hiệu quả sẽ chỉ dẫn cho bà con xung quanh cùng trồng, giúp bà con phát triển kinh tế" - ông Sánh bày tỏ.

Ông Nguyễn Chí Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình cho biết, mới đây Sở đã có chuyến thực địa, kiểm tra tiến độ thực hiện "trồng thử nghiệm Sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình" tại HTX Dũng Na. Sau khi kiểm tra cụ thể tại thực địa, đoàn kiểm tra của Sở KH-CN kết luận, tất cả các hạng mục thực hiện được trong thời gian qua đều bảo đảm số lượng, chất lượng theo thuyết minh được phê duyệt; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì và các cá nhân có liên quan tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Sa sâm để sớm hoàn thành, nghiệm thu nhiệm vụ trong thời gian tới.

"Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm sa sâm là rất lớn và trong lúc nguồn cung còn rất thấp, chủ yếu là khai thác từ tự nhiên ở các tỉnh phía Nam nên việc trồng thử nghiệm của HTX Dũng Na nếu thành công, sẽ nhân rộng mô hình để phát triển loài cây này tại vùng đất cát Quảng Bình" - ông Nguyễn Chí Thắng chia sẻ.