70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Bình: Lên núi Thần Đinh cầu an dịp Xuân Quý Mão

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, đông đảo du khách thập phương đã lên núi Thần Đinh (thuộc khu di tích chùa Non, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để dâng hương, cầu an.

Nằm cách TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khoảng 25km về phía Nam, núi Thần Đinh là một danh thắng kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sông, núi và đặc biệt là tâm linh. Núi cao 342m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thực vật là các loại gỗ quý phong phú và có nhiều động vật quý hiếm như khỉ, vượn, kỳ đà… 

Nghi lễ rước “nước thiêng” tại lễ hội chùa Thần Đinh
Nghi lễ rước “nước thiêng” tại lễ hội chùa Thần Đinh

Không chỉ phong phú về chủng loại động thực vật, trên núi Thần Đinh còn có chùa, miếu, tháp mộ cổ… rất thanh tịnh, được lưu truyền nhiều giai thoại về Đức Phật hiển linh. Bởi vậy, dịp sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân đổ về núi Thần Đinh dâng hương cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc và nhiều tài lộc.

Đến núi Thần Đinh, sẽ mất 40 phút vượt 1.260 bậc đá để lên đỉnh núi, nơi có dấu tích chùa cổ Kim Phong. Tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ hoang sơ của cả cánh rừng tự nhiên. Núi Thần Đinh có giếng Tiên, Động Chiêng, Động Trống khi có gió thổi thường phát ra âm thanh như tiếng chiêng, tiếng trống…

Đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, cầu an đầu năm mới
Đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, cầu an đầu năm mới

Theo tư liệu được ghi chép trong sử sách và văn bia, từ xưa trên ngọn núi Thần Đinh có một ngôi chùa tên là Kim Phong Cổ Tự, ngày nay là chùa Kim Phong Quảng Bình. Người dân địa phương nơi đây thường hay gọi là chùa Non, đơn giản là vì ngôi chùa được tọa lạc trên ngọn núi cao.

Dưới thời nhà Lê vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường kinh lý vào miền Nam, khi đi qua ngọn núi đã sai quân lính đánh tượng trưng dưới chân nói trị tội bất nghĩa. Bởi do việc núi Thần Đinh một mình quay về phía Bắc trong khi tất cả các núi ở Quảng Bình đều hướng về phía Nam. Đó cũng chính là sự ra đời hai tên gọi khác của ngọn núi.

Vào năm 1809, đại sư Trần Gia Hội tu ở chùa Thiên Mụ (Huế) đã ra Quảng Bình vận động Nhân dân trong vùng góp công của để xây dựng lại ngôi chùa. Khi đó chùa có 3 gian, do đại sư An Khả trụ trì. Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc chiến giữa nhà Trịnh - Nguyễn, không còn ai trông coi nên đã bị hư hỏng. Hiện tại, trên đỉnh núi vẫn còn dấu tích cũ của chùa Non.

Dịp đầu năm mới, đông đảo người dân và du khách đến núi Thần Đinh thành tâm dâng hương, uống nước giếng thần. Giếng nằm trên ngọn núi đá vôi cao, bốn bề là cây rừng nguyên sinh, tuôn ra nguồn nước mát. Tương truyền rằng đây chính là nước thánh được tích tụ từ những long mạch quý báu trên đỉnh núi. Chính vì vậy khi uống hay rửa mặt dưới dòng nước của giếng Tiên sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc.

Lễ hội chùa Thần Đinh Xuân Quý Mão 2023 được diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày 16 tháng Giêng
Lễ hội chùa Thần Đinh Xuân Quý Mão 2023 được diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày 16 tháng Giêng

Chị Trần Ngọc Linh (du khách đến từ TP Đồng Hới, Quảng Bình) chia sẻ, dịp đầu năm mới, gia đình chị thường đến với di tích danh thắng Núi Thần Đinh để đi lễ chùa, dâng hương cầu bình an, tài lộc và xin “nước thánh”.

“Dù rất mệt mỏi khi phải vượt qua hơn 1.200 bậc thang đá mới tới được đỉnh núi, nhưng lên đến đây, chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái khi được hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất Quảng Ninh với dòng sông Long Đại hiền hòa uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời!.” - chị Linh hào hứng nói.

Năm nay, huyện Quảng Ninh phối hợp với chùa Thần Đinh tổ chức nghi lễ rước nước. Trong nghi lễ rước “nước thiêng” tại lễ hội chùa Thần Đinh, nước lấy từ giếng Tiên trên núi có độ cao 342m rồi rước về chùa Kim Phong để thực hiện đại lễ cầu siêu, cầu an. Nghi lễ cầu an mong muốn cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Núi Thần Đinh
Núi Thần Đinh

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang cho biết, lễ hội chùa Thần Đinh là một lễ hội đặc sắc mang biểu tượng văn hóa, tâm linh của người dân huyện Quảng Ninh nói riêng cũng như Quảng Bình và du khách thập phương nói chung. Năm nay, lễ hội được diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày 16 tháng Giêng.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Cũng nhân dịp này, nhiều sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm OCOP của địa phương đã được giới thiệu đến với khách tham quan.” - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân thông tin.