Quảng Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, sẵn sàng ứng phó bão Noru

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 26/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru) và mưa lớn.

Cụ thể, tại công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022; Công điện số 29/CĐ-QG ngày 24/9/2022 của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 188/CĐ-BCH ngày 24/9/2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về việc sẵn sàng ứng phó với bão gần biển Đông; Công văn số 1742/UBND-KT ngày 22/9/2022 của UBND tỉnh về việc sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài.

Triển khai phương án ứng phó, phòng chống bão số 4 và mưa lớn theo phương châm “4 tại chỗ”; căn cứ tính chất công việc, diễn biến và dự báo bão số 4 chủ động quyết định việc đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách.

Quảng Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Quảng Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Đồng thời, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu tránh trú bão; tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải các địa phương khác vào tránh trú bão.

Đặc biệt, nghiêm cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy ra khơi từ 12 giờ 00 ngày 26/9/2022 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia. Rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và hoạt động sản xuất, kinh doanh ven biển, ven cửa sông.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Các sở ngành, đơn vị giao thông, điện lực, viễn thông, cấp thoát nước bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, kịp thời xử lý  tình huống, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt, sản xuất.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình mưa lũ, chỉ đạo các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện khi có tình huống xảy ra.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN& PTNT tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có 6.689 phương tiện tàu thuyền, với 22.263 lao động. Hiện, đã về neo đậu tại bến 6.652 phương tiện. Đến 10 giờ ngày 26/9, đang có 37 phương tiện/204 lao động đang hoạt động trên biển. Các phương tiện này đã nắm bắt được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, diện tích rau màu các loại chưa thu hoạch là 4.134 ha. Tổng diện tích thủy sản hiện đang thả nuôi 2.479,5 ha và 743 lồng. Tỉnh Quảng Bình có 153 hồ chứa và 192 đập dâng. Đến thời điểm hiện tại, công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi quản lý 32 hồ chứa, dung tích các hồ chứa trung bình đạt 52,9%; Dung tích các hồ chứa địa phương quản lý trung bình đạt trên 48%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần