Đã thành thông lệ, từ sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh nô nức nối nhau đổ về viếng thăm đền thờ Công chúa Liễu Hạnh (tỉnh Quảng Bình) xin lộc đầu năm, cầu sức khỏe, bình an.
Ghi nhận của phóng viên, dưới thời tiết nắng ấm, ước tính Đền Công chúa Liễu Hạnh đón hàng chục nghìn lượt khác đến dâng hương, viếng thăm.
Với người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh thì đền Công chúa Liễu Hạnh luôn là địa điểm linh thiêng được ghé thăm đầu tiên trong ngày đầu năm mới. Người dân đến đây đề cầu bình an, tài lộc, sức khỏe cho gia đình, người thân.
Dịp đầu năm, nhiều người dân dâng lễ vật, thắp nhang, hóa tiền vàng khiến khuôn viên đền khói hương bay nghi ngút, tạo nên một khung cảnh linh thiêng, ấm áp ngày đầu năm mới.
Hòa cùng dòng người hối hả, anh Bùi Khánh Ngọc (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) và gia đình đến Đền Công chúa Liễu Hạnh đề cầu bình an. “Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 1 Tết là cả gia đình tôi lại đến Đền Công chúa Liễu Hạnh để xin lộc đầu năm, cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc và đủ đầy. Bước sang năm Quý Mão, tôi xin gửi đến tất cả người dân Việt Nam một năm mới sức khỏe, vạn sự như ý".
Ngoài việc dâng đến dâng hương, cầu tài lộc. Nhiều bạn trẻ còn cùng nhau checkin những tấm hình trong ngày đầu năm mới.
Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh nằm ngay dưới chân Đèo Ngang và tọa lạc tại một khu đất bằng phẳng, phía trước dãy Hoành Sơn trên địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đối với nhiều người dân Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng thì Công chúa Liễu Hạnh là một vị thánh luôn được kính trọng trong tín ngưỡng, văn hóa tâm linh...
Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong 4 vị thánh Tứ Bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ tát.
Đền thờ công chúa Liễu Hạnh có diện tích khoảng gần 340m2. Công trình được xây dựng trên nền đá, gạch, vôi nhưng mang trong đó là cả một truyền thống thẩm mỹ của người Á Đông, cũng thấm đượm bản sắc dân tộc.
Năm 1995, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo vì những giá trị văn hóa của di tích gắn liền với lịch sử từ hàng trăm năm nay.
Để thuận tiện và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách đến dâng hương, viếng thăm, lực lượng chức năng đã tăng cường nhân lực, túc trực thường xuyên tại nơi này.