Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Bình: Người tài xế mơ ước một bảo tàng kỷ vật

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mong muốn giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc, ông Dương Công Hồng không quản ngại khó khăn, lặn lội khắp các vùng miền sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn kỷ vật chiến tranh, vật dụng thời bao cấp và coi đó như là báu vật.

Người tài xế mơ ước một bảo tàng kỷ vật

Kỷ vật bù đắp ký ức

Chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Công Hồng (SN 1969, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) – người nổi tiếng với đam mê sưu tầm, lưu giữ kỷ vật chiến tranh và đồ bao cấp. Bên trong căn nhà nhỏ là cả một “bảo tàng” kỷ vật, từ chiếc áo trấn thủ, can xăng dầu, vỏ bom đạn, quần áo, mũ lính, bi đông đựng nước, quạt, đèn, bật lửa đến chiếc xe honda, xe đạp phượng hoàng… được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng.

Những lúc rảnh rỗi, ông Hồng lại mang kỷ vật ra ngắm nghía, lau chùi
Những lúc rảnh rỗi, ông Hồng lại mang kỷ vật ra ngắm nghía, lau chùi

Chưa từng tham gia quân ngũ, nghề chính của ông là làm lái xe dịch vụ nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với việc sưu tập những món hàng lính, đồ dùng thời bao cấp. Ông Dương Công Hồng kể lại, năm 1972, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong một trận thả bom càn quét của quân địch, bố và anh trai của ông bị bom nổ sập hầm qua đời, một mình ông may mắn còn sống sót.

Trở thành trẻ mồ côi khi vừa tròn 3 tuổi, tuổi thơ ông là những tháng ngày cơ cực, thiếu thốn, không có điều kiện có được những món đồ dùng như bạn bè cùng trang lứa. Ông thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh, về khó khăn của gia đình trong thời kỳ bao cấp, dần lớn lên, ông quyết tâm muốn đối diện với nó, muốn lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, có được món hàng bao cấp để gợi nhớ về một thời đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc, về sự mất mát, khó khăn của gia đình.

Năm 2013, khi đã có điều kiện về thời gian và kinh tế, ông bắt đầu thực hiện ước mơ, gom nhặt kỷ vật. Đến nay, sau hơn 10 năm, nhờ lợi thế trong nghề lái xe và bằng niềm đam mê của mình ông Hồng đã sưu tập được hơn 1500 món kỷ vật, từ kỷ vật dễ kiếm đến món “hàng quý” mà chỉ mình ông mới có.

Để có được những kỷ vật ấy, ông Hồng không quản ngại khó khăn, một mình rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc để sưu tầm, mua lại, khi thì từ cơ sở thu mua phế liệu, khi thì từ nhà dân, từ những người thân, người bạn có chung sở thích. 

Thấy ông đam mê và chịu khó, có người bán nhưng cũng có người hào phóng tặng cho ông, sau chuyến đi, ông mang về khi là chiếc mũ cối đã bạc màu theo thời gian, khi thì thùng đạn nặng trịch, vài bộ quần áo lính, ba lô rách lỗ chỗ, chiếc bi đông đựng nước đã sờn màu…

“Bảo tàng kỷ vật” của ông Dương Công Hồng
“Bảo tàng kỷ vật” của ông Dương Công Hồng

Khi được hỏi về giá trị của những món đồ, ông Hồng cho rằng không thể định giá được. Đối với người khác, những đồ vật này không khác gì sắt vụn. Tuy nhiên, với những người đam mê sưu tầm thì đây là vật vô giá, đặc biệt hơn khi nó còn mang dấu tích của lịch sử.

Và món hàng quý giá nhất trong “bảo tàng kỷ vật” của ông là chiếc khay đựng nước, tráng men do Ba Lan sản xuất, ông nâng niu và cất giữ nó như một báu vật. Tuy không có giá trị nhiều về vật chất nhưng là món kỷ vật duy nhất mà bố ông để lại.

Ước mơ về một bảo tàng kỷ vật

Bộ sưu tập kỷ vật của ông Dương Công Hồng được phân loại và bố trí vào các khu vực khác nhau, gồm kỷ vật chiến tranh và vật dụng thời bao cấp. Trong đó, nhiều vật dụng vẫn còn đọc rõ năm sản xuất, xuất xứ và đang còn hoạt động tốt. Chỉ vào từng món đồ, ông Hồng say sưa thuyết minh về công dụng, tiểu sử, lai lịch và quá trình vất vả để tìm kiếm.

Bộ sưu tập hơn 1500 kỷ vật, trong đó có nhiều loại vẫn còn sử dụng tốt
Bộ sưu tập hơn 1500 kỷ vật, trong đó có nhiều loại vẫn còn sử dụng tốt

Ông Hồng chia sẻ: “Làm nghề tài xế, được đi đây đó nên cũng thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm, gom nhặt kỷ vật. Mỗi chuyến đi chở khách, trừ tiền xăng xe và trang trải trong gia đình, tôi thường trích lại một khoản nhỏ để mua kỷ vật. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại có thêm được nhiều món hàng mới vào bộ sưu tập của mình”.

Theo tiết lộ, lúc còn nhỏ người bạn hàng xóm có chiếc bật lửa do Trung Quốc sản xuất mà ông rất thích, ông chỉ nhớ mang máng về hình dáng chứ không thể nào diễn tả rõ được. Đi đến đâu, gặp ai ông cũng hỏi về món hàng này, sau hơn 5 năm tìm kiếm, trong một lần tình cờ xem được có người đăng bán trên mạng xã hội, người bán thấy ông say mê, thích thú nên đã tặng lại cho ông làm kỷ niệm.

Để “bảo tàng kỷ vật” trở nên phong phú, ông còn nhờ nhiều người thân, người bạn ở nước ngoài mua kỷ vật rồi gửi về Việt Nam.

“Mấy năm trước, kinh tế khó khăn, vợ con thấy tôi mang về những món đồ như sắt vụn, rất bực mình. Dần dần, khi thấy tôi đam mê với kỷ vật quá, kinh tế cũng có phần khấm khá hơn. Vợ con cũng không còn cấm cản mà hết mực ủng hộ. Cậu con trai tôi hiện đang làm việc tại nước ngoài cũng thường xuyên tìm mua những món đồ để tặng bố”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cho biết, một số kỷ vật chiến tranh trong bộ sưu tập của mình rất hiếm có, một số gần như độc bản, nhiều người cựu chiến binh ở thời kỳ đó và những người sưu tầm, am hiểu sâu về kỷ vật chiến tranh cũng chưa chắc đã biết. 

“Ngoài việc sưu tầm kỷ vật và trưng bày tại nhà để thỏa đam mê. Mong muốn thông qua những món kỷ vật này thế hệ hôm nay hiểu thêm về một thời hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, về giai đoạn khó khăn của đất nước sau giải phóng. Từ đó, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tôn vinh và tri ân các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc”, ông Hồng bộc bạch.

Phần lớn, “gia tài kỷ vật” được ông Hồng rong ruổi đi tìm khắp mọi miền tổ quốc
Phần lớn, “gia tài kỷ vật” được ông Hồng rong ruổi đi tìm khắp mọi miền tổ quốc

Đê lưu giữ được nhiều hơn nữa, ông Dương Công Hồng vẫn đang tiếp tục tìm tòi, sưu tầm thêm nhiều kỷ vật, ấp ủ xây dựng một gian nhà riêng, làm nơi trưng bày kỷ vật như là một “bảo tàng tư nhân”.

Đến nay, bảo tàng của ông đang dần hoàn thiện phần móng, thời gian tới hứa hẹn sẽ là địa chỉ “miễn phí” cho những người có chung sở thích, đam mê, là nơi đón nhiều lượt khách tham quan, đặc biệt là các học sinh trên địa bàn đến tìm hiểu lịch sử, bổ túc cho môn học.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ cho biết, tôi khá bất ngờ và cảm phục khi biết đến bộ sưu tập đồ sộ của ông Hồng. Với thế hệ hôm nay, những hiện vật lịch sử nơi đây càng trở nên trân quý, nhắc nhớ về một quá khứ bom đạn, khó khăn nhưng đầy hào hùng. Nếu thế hệ trẻ xem được những kỷ vật này sẽ hiểu hơn về lịch sử.

Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, bộ sưu tập của ông Hồng gợi nhớ ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn”, một thời khó khăn vươn lên đổi mới. Những hiện vật, kỷ vật mang đậm dấu ấn lịch sử và thời gian của dân tộc.