Nhiều hồ, đập xuống cấp
Theo thống kê từ Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Qua kiểm tra, hiện, toàn tỉnh có 49 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế. Đặc biệt, hồ chứa Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện lệ Thủy) không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao.
Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho biết, hồ chứa Dạ Lam được Nhân dân đóng góp xây dựng từ năm 1987, từ trước đến nay, chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Sau đợt mưa lũ năm 2020, năm 2021, hồ chứa Dạ Lam đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng không đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu cũng như tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua dưới chân đập.
“Hồ chứa Dạ Lam là công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 40ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện, thân đập đang bị hư hỏng, thấm nước, mái đập phía thượng lưu thường xuyên bị xói mòn, sạt lở, tràn chưa đảm bảo thoát lũ, cống lấy nước bị sập lún, hư hỏng khoảng 70%. Hàng năm, chính quyền địa phương thường xuyên dùng phương án bạt phủ toàn bộ thân đập để đảm bảo cho vấn đề thấm nước, cũng như sóng vỗ. Ước tính chi phí để sửa chữa, nâng cấp hồ là trên 15 tỷ đồng.” - Chủ tịch UBND xã Thái Thủy thông tin.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng các công trình hồ, đập trên địa bàn xuống cấp, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, hầu hết công trình hồ, đập được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước nên việc hư hỏng, xuống cấp là không thể tránh khỏi. Kinh phí bố trí cho bảo trì, sửa chữa thường xuyên cho các công trình này còn nhiều hạn chế, vì thế, việc sửa chữa thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình từ đó bị hư hỏng, xuống cấp.
“Hiện nay, trên địa bàn còn khoảng 26 hồ đang nằm trong diện phải nâng cấp, sửa chữa, tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp nên rất cần sự ủng hộ từ nguồn kinh phí từ Trung ương. Trong điều kiện mưa bão, biến đổi khí hậu như hiện nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án để đảm bảo an toàn nhưng về lâu dài rất cần nguồn kinh phí để sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du trong mùa mưa bão sắp tới.”, ông Mai Văn Minh cho hay.
Khó khăn trong quản lý, vận hành
Theo tìm hiểu được biết, hiện, các huyện đang giao cho xã và tổ chức thủy lợi ở cơ sở quản lý khai thác 121 hồ chứa và 189 đập dâng. Do đó, viêc vận hành an toàn đập vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là các hồ đập hiện không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa; cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên việc thực hiện những nội dung theo Nghị định 114/2018/NĐ - CP chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, các công trình hồ, đập được giao cho công ty có chuyên môn vận hành, khai thác đã thực hiện tương đối đầy đủ theo quy định, nhưng do mới nhận bàn giao một số công trình từ các địa phương nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình Trần Hồng Quảng cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 32 hồ chưa thủy lợi, trong đó, 17 hồ trước đây được giao, công ty cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an toàn hồ đập. Riêng đối với những hồ mới nhận bàn giao từ UBND các huyện hầu như không có hồ sơ, quy định về quản lý an toàn đập hầu như được không thực hiện. Hiện nay, công ty đang đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số nội dung theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP.
Theo báo cáo của Sở NN& PTNT tỉnh Quảng Bình, phần lớn các công trình được xây dựng từ cách đây 20 - 30 năm, tài liệu, hồ sơ liên quan đến công trình bị mất mát, thất lạc. Do đó, các địa phương, đơn vị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để báo cáo nên độ chính xác về số liệu của một số công trình không cao, gây khó khăn cho công tác phân loại đập, hồ chứa nước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa do địa phương quản lý chưa đảm bảo...
“Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xin kinh phí để điều tra, nắm bắt một số thông số để có những phương án vận hành, đảm bảo an toàn cho vùng hạ dung trong mùa mưa lũ. Hiện, để đối phó với mùa mưa bão 2022, Sở đã có những công văn tham mưu, chỉ đạo và có các phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho hồ đập” - Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Bình thông tin.
Quảng Bình là một trong những địa phương có số lượng đập, hồ chứa thủy lợi khá lớn. Đóng vai trò quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, kiểm soát lũ lụt cũng như phục vụ du lịch. Trước thực trạng hồ, đập xuống cấp, cac ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần tăng cường công tác quản lý, bố trí nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn.