Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nam Định thả 1 triệu con giống xuống sông Hồng tái tạo nguồn lợi thủy sản

Kinhtedothi - Ngày 1/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2025 và thả 1 triệu con giống thủy sản các loại xuống sông Hồng nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hoạt động này không chỉ bổ sung các loài cá bản địa vào hệ sinh thái tự nhiên mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi Nhân dân trên địa bàn tỉnh hành động thiết thực hơn trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN&MT Nam Định, tỉnh có 72 km đường bờ biển và 4 con sông lớn chảy qua, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành thủy sản. Hằng năm, giá trị sản xuất thủy sản tại tỉnh tăng từ 3-5%, nhờ nguồn lợi thủy sản phong phú, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành và cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vẫn còn diễn ra, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đề nghị Sở NN&MT triển khai các hoạt động thiết thực trong Tháng hành động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, và thúc đẩy các mô hình khai thác bền vững.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý hoạt động nghề cá, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại nguồn lợi và môi trường thủy sản, cũng như các hành vi khai thác bất hợp pháp.

Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Nam Định đạt 202.580 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 12.000 tỷ đồng, chiếm 30,6% cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhằm duy trì sự phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết không vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời thực hiện thả hàng triệu con giống thủy sản xuống các lưu vực trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng điện để khai thác thủy sản, khai thác ở các khu vực cấm hoặc sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của ngành.

Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&MT Nam Định đã xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động nhân dân có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Sở cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong xử lý chất thải, nước thải và khí thải tại các thủy vực tự nhiên.

Hà Nội, Thái Nguyên "bắt tay" khai thác tour du lịch xanh

Hà Nội, Thái Nguyên "bắt tay" khai thác tour du lịch xanh

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: giải cứu dòng sông Thống Nhất khỏi ô nhiễm

Thanh Hóa: giải cứu dòng sông Thống Nhất khỏi ô nhiễm

02 Apr, 08:06 PM

Kinhtedothi - Dòng sông Thống Nhất đoạn qua TP Thanh Hóa đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông bốc mùi hôi thối, rác thải dày đặc, nhiều thời điểm chuyển màu đen kịt, ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống người dân.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ