Làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) nổi tiếng với nghề chài lưới truyền thống có lịch sử hình thành trên 380 năm. Từ bao đời, cuộc sống người dân đã gắn liền với biển, bám biển mưu sinh. Theo chu kỳ, cứ 5 năm 2 lần, ngư dân nơi đây lại tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống Chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo các bậc cao niên làng Cảnh Dương, lễ hội đua thuyền được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, tàu thuyền ra khơi mang về những chuyến biển bội thu. Lễ hội cũng là dịp khơi dậy tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khoẻ, ngư dân trổ tài điều khiển con thuyền vượt qua sóng nước, chế ngự thiên nhiên.
Ngày diễn ra lễ hội, con em làng Cảnh Dương trên khắp mọi miền tổ quốc đều thu xếp về quê tham dự. Lễ hội cũng thu hút đông đảo người dân các vùng lân cận và du khách thập phương.
Khác với nhiều lễ hội đua thuyền ở những địa phương khác, làng Cảnh Dương thường tổ chức đua thuyền trên biển. Lí giải về điều này, cụ Lê Quang Trung (người làng Cảnh Dương) cho biết: Ngày trước, lễ hội đua thuyền Cảnh Dương được tổ chức ở trên sông Roòn, có lẽ do bề ngang sông hẹp, đường đua lại ngắn nên chỉ đủ cho hai cặp (bốn chiếc) thuyền tranh tài. Sau này khi tàu thuyền của ngư dân đông đúc nên việc tổ chức đua thuyền trên sông gặp khó khăn. Từ năm 2003 đến nay, cứ trong vòng 5 năm xã Cảnh Dương tổ chức hai lần đua thuyền trên biển.
: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển Cảnh Dương năm nay có sự tham gia của 9 thôn trong xã, được chia thành 4 đội bơi với thuyền đua được sơn các màu xanh, đỏ, tím, việc này vàng nhằm tăng tinh thẩm mỹ, dễ phân biệt và tạo sự gắn kết. Trước khi diễn ra lễ hội, tại Ngư Linh Miếu sẽ diễn ra lễ bốc thăm chia màu thuyền, từ đây khắp làng Cảnh Dương ngập tràn màu sắc và rực rỡ cờ hoa.
Lễ hội đua thuyền Cảnh Dương diễn ra trong cả buổi sáng và buổi chiều với bốn lượt đua. Buổi sáng hai lượt, buổi chiều hai lượt, mỗi lượt gồm có vòng đi và vòng về qua hai phao tiêu với tổng chiều dài hơn 5km. Một thuyền đua có 29 người, trong đó có 22 người cầm dầm, ba người cầm lái, một người gõ mõ, một người tát nước, một người khoát cờ và một trọng tài giám sát.
Sáng 1/9, tại đình thờ Tổ và Ngư linh miếu, các cụ cao niên tiến hành dâng hương, mở màn cho chương trình lễ hội. Và trước khi các thuyền bơi xuất phát là màn “chạy thẻ”. Các thôn sẽ lựa chọn 4 thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn tham gia “chạy thẻ” cho thuyền bơi của mình. Khi thẻ được mang đến tận thuyền bơi, thuyền mới được phép xuất phát. Nên cuộc đua gay cấn ngay từ thời điểm “chạy thẻ” trong tiếng trống giục, tiếng hò reo giữa rừng sắc màu rực rỡ của các cổ động viên.
Trong khi những chiếc thuyền bơi lướt băng băng trên biển, dọc bờ biển, hàng ngàn cổ động viên trong trang phục, mũ, cờ… xanh, đỏ, tím, vàng hào hứng, reo hò, vẫy cờ cổ vũ cho các đội thi đấu giành chiến thắng.
Theo quy định của ban tổ chức khi kết thúc lượt đua, thuyền về nhất được 20 điểm, về nhì 16 điểm, về ba 12 điểm và về thứ tư được 8 điểm. Đội thuyền nào thi đấu nếu phạm quy sẽ bị trừ điểm. Thành tích các thuyền bơi được tính điểm qua các lượt bơi và Ban tổ chức trao giải cho đội đạt điểm cao nhất.
Sau 1 ngày tranh đua quyết liệt, đội đua màu xanh của thôn Tân Cảnh, Đông Cảnh; màu tím của thôn Yên Hải, Liên Trung đồng giải nhất với 60 điểm. Đội đỏ của thôn Thượng Giang, Đông Tỉnh, Đông Cảng; Đội vàng thôn Trung Vũ, Cảnh Thượng đồng giải nhì với 52 điểm.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên biển ở Cảnh Dương là hoạt động văn hóa truyền thống của người dân làng biển Cảnh Dương diễn ra theo chu kỳ 5 năm hai lần vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9.
"Lễ hội nhằm giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết của người dân Cảnh Dương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…", Đồng Vinh Quang nói.