Quảng Bình: Sống bên núi đồi nhưng vẫn thiếu đất trồng rừng sản xuất

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù sống giữa “bạt ngàn” núi đồi nhưng nhiều người dân ở khu vực Bồng Lai, xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn thiếu đất trồng rừng sản xuất.

Dân “khát” đất trồng rừng

Sống cạnh rừng, đất đai rộng lớn nhưng từ lâu nhiều người dân sống ở thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch) vẫn thiếu đất sản xuất, trong khi ở khu vực này đất rừng rộng lớn nhưng đa phần là do Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình quản lý, sử dụng.

Người dân sống cạnh rừng nhưng vẫn thiếu đất sản xuất.
Người dân sống cạnh rừng nhưng vẫn thiếu đất sản xuất.

Trưởng thôn Bồng Lai 2 Nguyễn Chiến Sự cho biết, toàn thôn có 188 hộ dân, thì hiện có khoảng 80 hộ chưa có đất rừng sản xuất. Người dân chủ yếu sống dựa vào rừng nhưng hiện đang làm thuê, ăn chia với công ty dẫn đến thu nhập thấp, đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lời kể của ông Nguyễn Chiến Sự, người dân thôn Bồng Lai đã sinh sống, an cư lập nghiệp tại mảnh đất này từ lâu. Trước kia, người dân chủ yếu sống dựa vào việc khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng, sau này nhận thức được những việc làm như vậy là vi phạm pháp luật, người dân dần bỏ nghề và tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

“Từ những năm 1980 - 1990 về trước, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình được nhà nước giao quản lý đất trồng rừng trên địa bàn xã. Thời điểm ấy, người dân thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định nên đã xảy ra tình trạng tự ý khai hoang, lấn chiếm, tranh chấp đất với công ty để trồng rừng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.”, Trưởng thôn Bồng Lai 2 cho biết.

Sau nhiều lần kiến nghị, đề xuất và giải quyết tranh chấp của các cấp chính quyền địa phương, vào các năm 2015 - 2017, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình đã cắt về cho người dân xã Hưng Trạch hơn 415 ha đất rừng sản xuất, số đất này được chia cho các hộ ở 2 thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2. Người dân cho rằng số hộ quá đông nhưng giao chỉ chừng ấy diện tích nên chưa đủ để đầu tư sản xuất. Mỗi hộ dân chỉ được chia chưa đầy 2 ha đất lâm nghiệp, nên tỉ lệ thất nghiệp ở địa phương vẫn không được cải thiện. Để có thu nhập, nhiều lao động phải bỏ xứ vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để tìm việc làm.

Còn những người bám trụ lại quê hương đành phải “hợp tác” với Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, với cách làm nhận khoán đất rồi trồng cây, chăm sóc, bảo vệ… đến kỳ khai thác thì chia theo “phần trăm”, kiếm thêm thu nhập.

Người dân mong muốn được giao thêm đất để chủ động sản xuất.
Người dân mong muốn được giao thêm đất để chủ động sản xuất.

Người dân sẽ nhận khoán theo 3 phương thức, tuỳ vào từng khu vực đất mà tỉ lệ này là người dân 50% / công ty 50% hay 70%/30% (công ty hỗ trợ giống, thuế đất…), còn tỉ lệ 80%/20% thì người dân phải bỏ toàn bộ chi phí.

Theo người dân ở thôn Bồng Lai cho biết, mỗi ha đất chỉ trồng hơn 3.000 cây keo, một vụ kéo dài 5 năm mới thu hoạch. Trung bình mỗi ha trừ chi phí cho thu nhập khoảng 45 - 50 triệu đồng, sau khi chia theo tỉ lệ thì chẳng được là bao.

Ông Hoàng Văn Hà, Trưởng thôn Bồng Lai 1 cho biết, toàn thôn có 212 hộ dân nhưng trong đó có hàng chục trường hợp thuộc hộ nghèo. Bà con sống chủ yếu dựa vào núi rừng nhưng đất đai thì nhà nước lại giao hết cho doanh nghiệp quản lý. Sống bên rừng nhưng không có đất, phải nhận khoán lại để trồng cây nên thiệt đơn, thiệt kép.

Cần hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp

Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bồng Lai 2 Đinh Xuân Hòa cho biết, hầu hết các công việc từ trồng, chăm sóc, đào hào bảo vệ, thu hoạch...do tự tay các hộ dân làm hết. Doanh nghiệp chỉ việc ngồi không và hưởng phần trăm sản phẩm trong 1 mùa keo kéo dài tận 5 năm.

Trồng mỗi ha rừng sau khoảng 5 năm, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 45 - 50 triệu đồng.
Trồng mỗi ha rừng sau khoảng 5 năm, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 45 - 50 triệu đồng.

“Nguyện vọng của người dân là được giao thêm đất để chủ động sản xuất, có thêm việc làm, tăng thu nhập nuôi sống gia đình. Nếu không được giao đất, thì cũng mong muốn doanh nghiệp đưa ra một mức giao khoán hợp lý để người dân không phải chịu thiệt thòi”, ông Đinh Xuân Hoà cho biết.

Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn cho biết, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình được tỉnh giao quản lý và sử dụng hàng trăm ha đất lâm nghiệp ở địa phương này. Quan điểm của địa phương là dù nhà nước giao đất cho công ty nhưng cũng mong muốn chia sẽ với người dân địa phương, có phương án chia tỷ lệ phù hợp để đôi bên cùng hưởng lợi.

“Hiện, địa phương đang lên kế hoạch thống kê lại diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp thẻ đỏ cho người dân. Nếu sau này nhà nước có giao đất trực tiếp cho người dân sử dụng, địa phương sẽ có phương án chia đất được công bằng, minh bạch”, ông Lê Ngọc Sơn cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình Trần Quang Đảm cho biết, hiện công ty được tỉnh giao quản lý, bảo vệ hơn 30.000 ha rừng. Trong đó, 25.000 ha là rừng tự nhiên và 5.000 ha là rừng sản xuất chủ yếu trồng cây keo, thông.

Riêng tại xã Hưng Trạch, Đội sản xuất Bồng Lai quản lý 637,70 ha đất rừng sản xuất, với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Diện tích đất rừng chủ yếu là trồng keo, công ty sử dụng theo hình thức tự sản xuất và khoán cho 178 hộ dân. Trong đó, tỷ lệ hưởng lợi 50/50 là 250,60 ha cho 73 hộ dân, 30/70 là 192,70 ha cho 40 hộ và 20/80 là 194,40 ha cho 65 hộ.

Những cánh rừng bạt ngàn thuộc quản lý của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình
Những cánh rừng bạt ngàn thuộc quản lý của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình

Theo ông Trần Quang Đảm, vừa rồi người dân xã Hưng Trạch có kiến nghị chia theo tỉ lệ 20%/80% (công ty 20%, dân 80%) ở mọi khu vực, công ty và các hộ dân nhận khoán cùng đại diện UBND xã đã có buổi làm việc, tuy nhiên chưa thể đi đến thống nhất phương án phù hợp. Riêng công ty đề nghị cho người dân nhận khoán ở mức 30%/70%. Nếu 20%/80% thì cao quá, doanh nghiệp không có lợi nhuận...