Trời vừa sập tối, khi tiếng côn trùng rả rích khắp cánh đồng cũng là lúc anh Võ Tùng Lâm rời nhà đi “hành nghề” câu cá lóc. Vật dụng được anh mang theo đơn giản chỉ vài chục chiếc cần câu tre, cây cào sắt, đèn pin đội đầu và một chiếc xô cũ dùng để đựng con mồi và cá.
Cá lóc hay còn gọi là cá quả, cá tràu, sống tại các cánh đồng, sông, kênh mương... cá lóc câu ngoài tự nhiên thịt chắc, thơm ngọt, không tanh được người dân ưa chuộng mua về chế biến các món như nướng trui, kho tộ, xay chả viên, nấu canh chua hoặc cháo...
Điểm giăng câu đêm nay cách nhà anh chừng 500 mét, đây là một kênh nước phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, vùng này nước sâu, bùn lầy, rậm rạp cỏ và bèo lục bình là nơi thường có nhiều cá lóc. Để cắm cần, anh Lâm dùng chiếc cào sắt vén lục bình tạo thành khoảng trống đường kính chừng 1 mét. Sau hơn 10 phút chật vật, anh chính thức bắt đầu chuyến “đi săn” cá lóc đêm.
Câu cá lóc có rất nhiều kiểu, song câu cắm là cách truyền thống thường được người dân như anh Lâm lựa chọn. Đa phần người ta sẽ cắm câu từ lúc chạng vạng tối đến lúc trời còn mờ sương mới thu cần, bởi đây là thời điểm cá lóc hay đi săn mồi nhất. Trong thời gian này, cứ cách khoảng một, hai giờ đồng hồ “cần thủ" sẽ đi thăm câu, gỡ cá, thay mồi một lần. Nếu để cá mắc câu quá lâu sẽ chết, dẫn đến bị ươn, ăn không ngon hay cá cắn câu nhưng trượt, cần thay cần, mồi mới…
Anh Lâm cho biết, anh làm nghề câu cá lóc đêm ngót nghét cũng được hơn 10 năm, nghề này tuy vất vả nhưng không tốn quá nhiều chi phí. Để chuẩn bị cho mùa cắm câu, chỉ cần bớt chút thời gian và công sức chọn ở bờ tre quanh nhà những gốc tre gai già, thẳng, đốn vào rồi chẻ ra từng thanh nhỏ, dài cỡ 1 - 1,5 mét để vót cần câu. Với 50 chiếc cần, chỉ cần đầu tư khoảng 200.000 đồng mua dây cước và lưỡi câu là có thể dùng trong vài mùa.
Loại cần câu anh Lâm dùng được làm từ thanh tre già, vót nhọn phần đuôi để dễ dàng cắm sâu xuống đất, phía đầu mũi mỏng, dẹp, uốn cong xuống buộc dây cước dài chừng 50 cm và “tóm” lưỡi câu. Lưỡi câu có ngạnh sắc nhọn được uốn cong từ sợi thép nhỏ, mồi là mớ cá nhét vừa đánh bắt được từ lúc sáng. Khi đã găm lưỡi câu vào lưng con mồi xong, anh Lâm cắm thật mạnh cần vào bờ mép nước, sau đó chỉ cần ngồi chờ cá cắn câu.
Chia sẻ về bí quyết trong nghề, anh Lâm tiết lộ: “Cá lóc có tập tính săn mồi, kiếm ăn và tìm chỗ ngủ sát bờ vào ban đêm. Muốn câu được cá phải lựa chọn những con mồi sống dai và giãy giụa nhiều như nhái, lươn hay giun đất… thì chúng mới dễ dàng thấy, đến đớp mồi ... Lúc giật cá lên cần nắm chặt mình cá không để cá vùng vẫy, sau đó mới từ từ lấy lưỡi câu ra. Nếu đưa cả ngón tay vào miệng cá để gỡ câu thì dễ bị thương khi chúng quẫy mạnh.”
Mỗi chuyến cắm câu đêm, anh Lâm bắt được khoảng từ 2 - 5 kg cá lóc, mỗi con nặng 1 – 400 g, nếu may mắn có thể bắt được loại cá trên 1kg. Trung bình mỗi kg cá lóc sống có giá thành giao động từ 100.000 - 150.000 đồng, tuỳ theo kích cỡ.
Sau mỗi vòng thăm câu, gỡ cá, anh Lâm lại tranh thủ “chợp mắt” hoặc đội đèn đi dọc bờ kênh, bờ ruộng bắt mồi… để chuẩn bị cho việc cắm câu vào ngày hôm sau. Con mồi được anh chọn phải là loại nhỏ cỡ ngón tay, còn sống. Nếu con mồi chết thì không bao giờ cá lóc ăn, chỉ để lũ cua đồng và cá nhỏ tới rỉa phá mồi.
“Câu cá lóc là nghề làm thêm của rất nhiều người dân trong vùng, mang lại thu nhập tốt, đủ để trang trải cuộc sống. Lúc nông nhàn, bất kỳ ai cũng có thể ra đồng, kênh rạch cắm cần câu cá lóc. Việc đi câu cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Buổi tối các loài côn trùng, bò sát như rắn đi kiếm ăn. Để tránh dẫm phải rắn và bị tấn công, khi đi hành nghề, thợ phải đi thêm ủng và đeo găng tay.” anh Lâm bộc bạch.
Trời vừa rạng sáng, khi gà cất tiếng gáy râm ran cả một vùng quê cũng là lúc thợ “săn” cá lóc đêm bắt đầu đi thu cần. Chuyến đi câu hôm nay, anh Lâm thu về được hơn 3 kg cá lóc, tính qua cũng đã có một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.