Quảng Bình: "Trở về bến phà xưa", sân khấu thực cảnh đầy cảm xúc

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình sân khấu thực cảnh “Trở về bến phà xưa” tái hiện hình tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với những năm tháng lăn lộn dọc đường Trường Sơn huyền thoại, chỉ huy bộ đội vượt mưa bom bão đạn, giữ liền huyết mạch giao thông cho chiến trường miền Nam.

Tối 22/2, tại bờ Bắc bến phà Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình chủ trì tổ chức chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt “Trở về bến phà xưa”. Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023).

Chương trình tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến
Chương trình tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến

"Trở về bến phà xưa” là chương trình nghệ thuật do nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh làm tổng đạo diễn, với sự tham gia của hàng chục diễn viên chuyên nghiệp thuộc các ngành sân khấu, điện ảnh và hàng trăm diễn viên quần chúng.

Chương trình khắc họa rõ nét tài năng, sự lãnh đạo và chỉ huy tài tình của Tư lệnh đường 559 - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhằm thể hiện sự kính trọng, tri ân đối với các thế hệ cha anh đã vượt qua gian nan thử thách, hy sinh để làm nên chiến công chói lọi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trao đổi với phóng viên, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết, để khắc họa rõ nét chân dung vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên đòi hỏi phải tái hiện lại không khí mưa bom, bão đạn tại tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ, điều mà chỉ có sân khấu thực cảnh mới có thể lột tả được.

Dòng chữ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được phục dựng kì công để đạt tới độ chân thực
Dòng chữ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được phục dựng kì công để đạt tới độ chân thực

“Quan trọng nhất đối với một chương trình nghệ thuật thực cảnh đó là bối cảnh. Bối cảnh sân khấu được chọn trên thực địa đúng tại bến phà Xuân Sơn. Nơi đây từng là tọa độ lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và gắn liền với sự nghiệp lãnh đạo, chỉ đạo của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi còn là Tư lệnh Đoàn 559” - nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói.

Xuyên suốt chương trình là sự song hành của các tiết mục ca, múa, kịch cùng với hành động, hồi ức thời mưa bom bão đạn trên đường Trường Sơn. 

Chương trình nghệ thuật “Trở về bến phà xưa”
Chương trình nghệ thuật “Trở về bến phà xưa”

Nhiều phân đoạn tái hiện hình ảnh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có mặt trên khắp các tuyến đường Trường Sơn để chỉ đạo bộ đội mở đường, làm đường ống dẫn xăng dầu, xây dựng hệ thống thông tin… Các phân cảnh đó đã phản ánh sự chân thực và làm nổi bật thêm vai trò của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong việc chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ đường Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào.

Minh họa và đan xen giữa các phân cảnh, hoạt cảnh là các ca khúc viết về bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, về hậu phương người lính làm cho chương trình sân khấu thực cảnh càng thêm phần xúc động.

Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo nhân nhân
Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo nhân nhân

Qua hơn 120 phút, chương trình nghệ thuật “Trở về bến phà xưa” đã thực sự mang lại nhiều ý nghĩa, cảm xúc cho khán giả. Làm sống dậy những năm tháng hào hùng và những hy sinh, mất mát đau thương của quân và dân ta trong cuộc chiến ái quốc vĩ đại. Tái hiện rõ nét chân dung vị tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại.

 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923 - 2019) tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ Tổng tư lệnh, tham gia nhiều chiến dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với đường Trường Sơn huyền thoại. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn, vào lúc cao điểm quân số lên tới hơn 12 vạn người. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn không chỉ là con đường tiếp tế mà còn là biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam.