Quảng Bình: Trồng nấm mang thu nhập cao cho người dân Quảng Hoà

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trồng nấm đã và đang khẳng định hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân xã Quảng Hòa.

Cùng chia sẻ lợi ích

Người dân xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) lâu nay chủ yếu làm nghề nông, vì thế họ luôn trăn trở với việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau khi được học cách làm nấm qua lớp tập huấn của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân, người dân nơi đây đã từng bước thực nghiệm và xây dựng nên mô hình tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cũng như phát triển kinh tế nông thôn.

Dù mới được thành lập, nhưng tổ hợp tác đã trồng nấm thành công và cho chất lượng tốt
Dù mới được thành lập, nhưng tổ hợp tác đã trồng nấm thành công và cho chất lượng tốt

Gặp chị Nguyễn Thị Liễu (SN 1963, xã Quảng Hòa) - Tổ trưởng tổ hợp tác, người đi đầu và tâm huyết nhất nhất với mô hình này. Chị Liễu cho biết, sau khi được tham dự lớp tập huấn khởi sự, khởi nghiệp doanh nghiệp, đào tạo nghề trồng nấm và nhân giống các loại nấm ăn, nấm dược liệu và tham quan một số mô hình trồng nấm, nhận thấy đây là mô hình đầu tư ít vốn, không cần diện tích lớn, nhưng mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa, trồng rau thông thường. Trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào nên nhiều hộ dân đã đồng thuận xây dựng và phát triển tổ hợp tác trồng nấm.

“Sau khi hoàn thành lớp tập huấn, mới đây, tổ hợp tác trồng nấm chính thức được thành lập, đến nay tổ đã có 24 hộ thành thành viên, hoạt động dựa trên hình thức tự nguyện, cùng nhau thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Hầu hết các thành viên trong tổ đều là chị em phụ nữ lớn tuổi, chủ yếu làm công việc nội trợ, tham gia tổ hợp tác giúp họ chủ động được thời gian và có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình.” -  chị Liễu nói.

Qua tìm hiểu, để xây dựng tổ hợp tác, ban đầu các hội viên tham gia đóng góp từ 3 - 5 triệu đồng để lắp đặt trang thiết bị, mua nguyên liệu và nguồn giống. Tận dụng diện tích 3 ngôi nhà của người dân không sử dụng làm cơ sở nuôi trồng. Các loại nấm được tổ hợp tác chọn lựa trồng chủ yếu là nấm dược liệu và nấm ăn, tập trung vào các loại nấm sò, nấm tai mèo và nấm linh chi…

Tổ hợp tác đang tập trung nuôi trồng 2 loại nấm chính là nấm sò và nấm linh chi
Tổ hợp tác đang tập trung nuôi trồng 2 loại nấm chính là nấm sò và nấm linh chi

Theo chia sẻ của các thành viên tổ hợp tác, trồng nấm không khó, cũng không vất vả, ai cũng có thể thành công với điều kiện phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Ngoài ra, đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, lúc này phải chọn nguyên liệu kĩ càng, sạch sẽ thì nấm mới đạt chất lượng, cho năng suất rất cao.

Được biết, với 24 thành viên, tổ hợp tác đã phân chia mỗi ngày 2 thành viên với nhiệm vụ chăm sóc và thu hoạch nấm. Hiện, tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa đã có hơn 2.200 phôi nấm Sò, và khoảng 700 nấm Linh Chi. Trong đó 400 phôi nấm Sò đã bắt đầu cho thu hoạch trung bình mỗi ngày được từ 8 - 10 kg, bán với giá 40.000 đồng/kg. Riêng với nấm Linh Chi thì dài ngày hơn nhưng giá bán cao hơn, tổ hợp tác tập trung cung cấp vào các dịp lễ, Tết.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Thành lập tổ hợp tác trồng nấm không những giúp bà con nông dân tận dụng được các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa…mà còn là điều kiện để bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

Khu vực trồng nấm Linh Chi của tổ hợp tác
Khu vực trồng nấm Linh Chi của tổ hợp tác

Ông Đoàn Văn Quyết, Trưởng thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa chia sẻ, kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thu nhập không cao. Từ khi được tập huấn và thành lập tổ hợp tác trồng nấm, nhiều hội viên dù không có kinh nghiệm và kiến thức nhưng đến nay đã nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc nấm để mang lại năng suất, chất lượng tốt. Giờ đây, ngoài thời gian làm nông nghiệp, bà con trong tổ hợp tác lại cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, bước đầu đã mang lại thu nhập.

“Trước mắt, sau khi thành lập, tổ hợp tác đã mang lại những thành quả nhất định, tạo sự liên kết trong cộng đồng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp cũng như tiếp cận được nguồn vốn, quỹ đất xây dựng nhà xưởng, hiện tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh và kết nạp nhiều hộ dân đình đang có mong muốn tham gia. Mong muốn của tổ hợp tác bây giờ là được tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng mở rộng mô hình, kết nạp thêm nhiều hội viên để cùng nhau thoát nghèo” ông Đoàn Văn Quyết nói.

Tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa có 24 hộ thành viên tham gia
Tổ hợp tác trồng nấm xã Quảng Hòa có 24 hộ thành viên tham gia

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Đặng Văn Luận cho biết, mô hình tổ hợp tác trồng nấm trên địa bàn xã tuy chỉ mới được thành lập nhưng bước đầu đã mang lại những hiệu quả kinh tế cho bà con, tạo thêm công việc làm phụ lúc nông nhàn.

“Thời gian tới, qua đánh giá hiệu quả của tổ hợp tác trồng nấm, chính quyền địa phương sẽ tích cực ủng hộ, đề xuất đến các cấp, ngành chức năng mở rộng mô hình, tập huấn cho nhiều hộ dân có mong muốn tham gia để phát triển kinh tế”, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần