Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng cáo chữa bệnh tràn lan trên mạng xã hội

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phản ánh về một trường hợp quảng cáo phương pháp điều trị, người bệnh “chỉ bỏ ra 2 tiếng là loại bỏ toàn bộ cholesterol xấu ra khỏi cơ thể mà không có biến chứng gì”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã gọi vào số điện thoại quảng cáo thì người nhận máy ấp úng sau khi nghe những câu hỏi của người có chuyên môn, rồi tìm cách lảng tránh.

Điều đáng nói, những nơi quảng cáo các phương pháp điều trị “độc đáo”, “tiên tiến”... thường lấy tên một cơ sở y tế nghe rất hoành tráng, có khi hơi giống với cơ sở y tế nổi tiếng có thật; người phụ trách xưng có học hàm, học vị hẳn hoi. Tuy nhiên, các cơ sở này thường không có địa chỉ thật, số điện thoại chưa hẳn là đã chính danh. Đặc biệt, các phương pháp điều trị chưa được công nhận, thường được giới thiệu là phương pháp mới tiếp nhận từ nước ngoài.

Không chỉ quảng cáo trên mạng xã hội, không ít người tự xưng là “thần y” tranh thủ quảng bá mọi lúc mọi nơi, ở nhóm Zalo, thậm chí trên bàn nhậu. Điều đáng chú ý, trong số “thần y” này có người cũng học ngành y, ngành dược... nhưng khi chữa bệnh đã bỏ qua các cơ sở khoa học, quy định của pháp luật, y đức, để thổi phồng phương pháp điều trị của mình.

Mới đây, một người cho biết, anh có tham gia một hội nhóm Zalo do người quen là người từng có vị trí quan trọng trong trồng, phát triển và quảng bá sâm Ngọc Linh lập nhóm. Chuyện đáng nói là trong nhóm này lập tức có vị xưng là dược sĩ khoe đã dùng sâm Ngọc Linh chữa được đột quỵ.

Anh ta nói: “Tôi chữa được ca đột quỵ bằng bài thuốc có sâm Ngọc Linh, trong khi có 5 ca tương tự trong cùng bệnh viện đều phải ra đi”. Anh này còn khoe dùng cả sâm Ngọc Linh điều trị ung thư.

Anh ta không biết rằng: bệnh viện khi điều trị thì không thể cho bệnh nhân đưa thuốc từ ngoài vào; bệnh viện cũng không được phép tiết lộ bệnh án của các bệnh nhân cho những người không có trách nhiệm... Cũng chưa có nghiên cứu nào nói sâm Ngọc Linh chữa được các ca đột quỵ, ung thư như vị kia nói.

Vị “thần y” này còn khoe, anh ta đưa phương pháp điều trị cho các chuyên gia y tế đầu ngành trong nước và quốc tế xem thì ai cũng thán phục (!?).
Trên trang cá nhân, PGS Nguyễn Lân Hiếu đã lưu ý về cách nhận diện về những quảng cáo thổi phồng về phương pháp điều trị.

Trong cuộc sống, cách nhận diện về những “thần y” cũng tương tự, thường họ tự xưng chữa được những ca khó như đột quỵ, ung thư... mà “y học hiện đại bó tay”, “bệnh viện đã trả về”...

Một người cảm thán với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Thật sự đáng lo bác ạ. Bác sĩ tự xưng, thật giả không biết đâu mà lên hướng dẫn sai hoàn toàn nhưng lượng theo dõi lại rất lớn, dân làm theo thì hại sức khỏe vô cùng”.
Người khác thắc mắc: “Sao Nhà nước không ai chịu trách nhiệm với những quảng cáo rởm này, thầy ơi?”.

Đúng vậy, quảng cáo rởm, quảng cáo thổi phồng về thuốc chữa bệnh là vấn nạn dai dẳng, xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh việc người dân cần đề cao cảnh giác, chỉ nên tin vào các cơ sở y tế được cấp phép, các thầy thuốc có uy tín và hành nghề trong chuyên môn cho phép; các cơ quan chức năng cũng mạnh tay hơn nữa để dẹp nạn “thần y”, “thần dược”, “phương pháp điều trị tiên tiến” được thổi phồng trên mạng xã hội.