Tiến độ dự án chậm, một số đoạn ngừng thi công
Dự án đường ô tô đến trung tâm hành chính xã Ninh Phước có tổng chiều dài là 5,1km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Nhà thầu là liên doanh Công ty CP 6.3 và Công ty CP Trung Trung Bộ. Nhưng sau gần 4 năm triển khai, tiến độ dự án rất chậm, một số đoạn thậm chí ngừng thi công.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khu vực đầu tuyến dự án phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng hộ ông Nguyễn Văn Long. Ngoài ra, dự án còn có khu vực diện tích đất liên quan đến các vụ phá rừng xảy ra tại địa bàn xã Ninh Phước.
Đại diện chủ đầu tư là UBND huyện Nông Sơn cho biết hộ ông Nguyễn Văn Long thuộc diện nghèo, vợ lại mắc bệnh hiểm nghèo, có 4 người con đang tuổi ăn học. Nhưng diện tích đất gia đình đang sinh sống không phải đất ở nên chỉ bồi thường tài sản trên đất, không thể bố trí theo phương án tái định cư. Tài chính của gia đình cũng không đủ để chi trả khoảng 400 triệu đồng cho một vị trí tái định cư. Địa phương đang vận động, tuyên truyền và tìm tiếng nói chung.
Riêng khu vực liên quan đến nạn phá rừng, công tác kiểm tra hiện trạng rừng đã xong. UBND huyện đang đề xuất phương án cho triển khai thi công và vụ án vẫn tiếp tục khởi tố. Đây là việc làm hết sức cần thiết để đảm bảo tiến độ dự án được tiếp tục.
Hiện chủ đầu tư đã bàn giao 90% khối lượng mặt bằng cho Công ty CP Trung Trung Bộ và 30% khối lượng mặt bằng cho Công ty CP 6.3. Nhưng khối lượng thực hiện dự án mới đạt khoảng 17%.
Vẫn là lí do chưa có mặt bằng để thi công
Với tiến độ như hiện nay, tuyến đường do UBND huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư chắc chắn sẽ không hoàn thành vào năm 2024. Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu còn rất nhiều việc phải làm nếu như muốn đưa dự án về đích.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn thừa nhận cần đẩy nhanh công tác đền bù và giải phóng mặt bằng. Nếu như từ nay đến cuối năm 2024, huyện bàn giao xong mặt bằng thì nhà thầu sẽ hoàn thành dự án trong năm 2025. Hiện quá trình thi công dự án còn xuất hiện lượng lớn đất thừa, trong khi bãi thải không đảm bảo công suất. Thực tế huyện Nông Sơn có quy hoạch 3 mỏ để phục vụ dự án, trong đó 1 bãi công suất 30.000m3 hiện đã đổ đầy, 2 bãi còn lại chưa giải phóng xong mặt bằng.
Cũng theo ông Hòa, UBND huyện Nông Sơn đang hoàn thành hồ sơ và thủ tục để trình Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm xin cấp phép lấy nguồn đất thừa từ dự án đổ vào hồ Hố Cái. Đây là giải pháp có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trước thực trạng chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, đơn vị liên quan tham mưu tỉnh xem xét, điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2025. Tuy nhiên, UBND huyện Nông Sơn cần có báo cáo giải trình, kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Đối với hộ ông Nguyễn Văn Long, UBND huyện Nông Sơn cần có phương án giải quyết dứt điểm để có mặt bằng triển khai thực hiện dự án. Theo báo cáo của UBND huyện, xét thấy hoàn cảnh gia đình của hộ ông Nguyễn Văn Long còn khó khăn nên thống nhất chủ trương cho nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ.
Chủ đầu tư khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, làm cơ sở để vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024. Trường hợp các hộ dân không thống nhất, UBND huyện khẩn trương thực hiện các thủ tục cưỡng chế thu hồi đất để triển khai thực hiện dự án.
Liên quan đến vụ việc phá rừng, UBND huyện Nông Sơn phối hợp và cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan. Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành quay phim, chụp hình toàn bộ hiện trạng rừng trong phạm vi dự án để làm cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng trước khi thực hiện thi công công trình và thực hiện nhiệm vụ liên quan.