11 năm trên giấy
Dự án khu du lịch tâm linh- sinh thái Bằng Am ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng vào tháng 7/2010 với diện tích hơn 300 ha. Dự án do Công ty CP Quảng Cường làm chủ đầu tư. Từ đó đến năm 2016, chủ đầu tư không thực hiện các thủ tục tiếp theo để đầu tư dự án. Năm 2017, UBND tỉnh điều chỉnh quy mô dự án xuống còn 145 ha, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Năm 2018, Sở KH&ĐT cấp chứng nhận đầu tư, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là phân khu văn hóa tâm linh 24,4ha, thực hiện đến tháng 12/2018; giai đoạn 2 là 120,6ha, thực hiện đến tháng 12/2020.
Xã Đại Hồng là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn của huyện Đại Lộc. Vì thế khi có 1 dự án với quy mô lớn được triển khai, chính quyền địa phương cũng như người dân đặt rất nhiều kỳ vọng.
Thế nhưng, 11 năm trôi qua kể từ ngày dự án được phê duyệt, những gì chủ đầu tư làm được gần như là con số không tròn trĩnh, chưa có bất cứ hạng mục nào được triển khai. Dự án vẫn còn “nằm trên giấy” khiến người dân và chính quyền địa phương từ niềm vui thuở ban đầu nay đã vô cùng thất vọng.
Bà Phan Thị Thanh (65 tuổi, ở thôn Ngọc Thạnh, xã Đại Hồng) cho biết, không chỉ riêng bà mà Nhân dân trong xã ai nấy cũng vui mừng khi nghe thông tin có doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh- sinh thái trên đỉnh Bằng Am. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, chủ đầu tư chỉ xẻ núi, mở được một đường công vụ đi lên đỉnh, còn lại chẳng thấy rục rịch gì thêm.
“Lúc họ làm đường thi công dự án, tôi cứ nghĩ một thời gian không xa nữa thì xã nhà có một khu du lịch tâm linh-sinh thái lớn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, người dân sẽ được hưởng lợi ích từ đó.
Thế nhưng, viễn cảnh ấy chẳng thấy đâu, chỉ thấy từ ngày doanh nghiệp xẻ núi là đường công vụ này thì mỗi mùa mưa đến đều xảy ra hiện tượng sạt lở khiến đất đá trên núi theo dòng nước tràn vào nhà. Ngoài ra, đất đá sạt lở đổ xuống hồ thủy lợi Cây Xoay khiến hàng chục ha lúa người dân không có nước sản xuất, đành phải bỏ hoang nhiều năm nay”, bà Thanh rầu rĩ nói.
Sau nhiều năm xây dựng, tuyến đường công vụ của dự án đã xuống cấp hư hỏng, xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún. |
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng Phạm Ích Khiêm cũng thừa nhận việc đơn vị thi công mở đường công vụ đã gây ra tình trạng sạt đất đá sạt lở xuống lòng hồ Cây Xoay và hồ Khe Bò khi mỗi mùa mưa về. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp của địa phương, hơn 44 ha lúa đã phải bỏ hoang vì không có nước tưới tiêu.
“Hiện 2 lòng hồ Cây Xoay và Khe Bò đang bị bồi lấp rất nhiều, ảnh hưởng đếu việc sản xuất lúa bà con.
Trước tình trạng này, xã đã nhiều lần kiến nghị huyện và cũng được hỗ trợ 250 triệu đồng để nạo vét lòng hồ Khe Bò, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Về dự án khu du lịch tâm linh thì đây được xem là dự án trọng điểm số 1 của huyện nên được quan tâm. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có tiềm lực kinh tế nên đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó, địa phương cũng đã tác động với tỉnh để cho cơ chế kêu gọi đầu tư nhằm góp phần thay đổi bộ mặt của xã, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Khiêm nói.
Chủ đầu tư cố tình chây ì
Theo ghi nhân của Kinh tế&Đô thị, dù đã được phê duyệt từ rất lâu nhưng đến nay chủ đầu tư dự án chỉ mở một con đường công vụ dài 12 km, rộng 7m lên đỉnh núi. Trong đó có 4km được đổ bê tông nhưng lại nằm ngoài dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng thì tuyến đường này đã bị xuống cấp, hư hỏng, xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, đất đá tràn xuống hết nửa đường. Nhiều điểm taluy âm thì lớp đất đá, bê tông, chực chờ rơi xuống vực sâu. Đồi núi bị đào nham nhở, cây cối ngã đổ ngổn ngang, máy móc, phương tiện bị bỏ lại bắt đầu rỉ sét theo thời gian. Tại đây, nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa lũ sắp tới.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang cho biết, dù đã trải qua một thời gian dài nhưng đến nay Công ty CP Quảng Cường vẫn cố tình chây ì, chậm trễ triển khai dự án. Đơn vị này cũng không tích cực hợp tác với chính quyền địa phương để xử lý, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư trên địa bàn.
“Có nhiều nhà đầu tư tiềm năng mong muốn đầu tư vào dự án khu du lịch tâm linh sinh thái Bằng Am nhưng chủ đầu tư không tích cực hợp tác với huyện để xử lý. Vì vậy, huyện đã đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành xem xét thanh tra việc đầu tư dự án và tình hình sử dụng đất của Công ty CP Quảng Cường để xử lý dứt điểm việc đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật”, ông Quang nói.