Tai nạn rình rập
Có nhà nằm sát mặt đường, bà Nguyễn Thị Trung (56 tuổi, trú xã Tam Anh Nam) rất bức xúc khi phải sống chung với ô nhiễm, bụi bẩn vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa suốt nhiều năm nay. “Tuyến ĐH3 này đã xuống cấp nghiêm trọng, cứ hễ mưa xuống là đường nhão nhoẹt, nước đọng thành vũng ao che mất mấy cái ổ gà, ổ voi nên xe máy hay xe lớn gì cũng bị ngã hết. Đó là chưa nói lúc trời nắng, nhà cửa hai bên đường đều bị bụi phủ mờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Trung cho biết.
Tuyến đường ĐH3 đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Thường xuyên lưu thông trên tuyến ĐH3 này, ông Phạm Tài (58 tuổi, trú xã Tam Anh Nam) cho hay: “Tuyến đường này có vị trí quan trọng với người dân hai xã, đặc biệt là giao thương kết nối phát triển kinh tế. Thế nhưng, gần 5 năm trở lại đây, đường xuống cấp nghiêm trọng và vẫn được sửa chữa. Đặc biệt là khi trời mưa, lớp đất bị nhão ra cộng với xe tải chạy nhiều tạo thành vũng lầy sâu. Thương nhất cảnh các cháu mỗi lần đi học ngang qua đường này tay chân lấm lem vì ngã xuống bùn đất”.
Ghi nhận thực tế, mặt đường lồi lõm, trơ sỏi đá, nhiều chỗ bị lút sụt sâu, ổ gà, ổ voi chi chít nối đuôi nhau khắp trên tuyến ĐH3. Bùn lầy xuất hiện tại nhiều vị trí trên mặt đường và cả lề đường. Người dân lưu thông qua khu vực này gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bùn lầy xuất hiện tại nhiều vị trí trên mặt đường và cả lề đường khiến tuyến đường này không khác gì một khoảnh ruộng đang cày. |
Bao giờ thì nâng cấp, sửa chữa?
Nhiều người dân địa phương mong muốn tuyến đường này sẽ được sửa chữa, nâng cấp trong thời gian sớm nhất để họ thoát khỏi cảnh sống chung với bụi bẩn và lầy lội. “Người dân sống dọc tuyến đường ĐH3 này ai cũng ngán ngẩm với cảnh sống chung với bụi bẩn, lầy lội. Mong các cấp chính quyền quan tâm sớm sửa chữa cho bà con an tâm đi lại làm ăn, phát triển kinh tế, các cháu nhỏ đến trường an toàn”, ông Nguyễn Văn Chương (65 tuổi, trú xã Tam Anh Nam) bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam Trần Văn Trường xác nhận những phản ánh của người dân về trình trạng tuyến ĐH3 đoạn qua địa phương bị hư hỏng, xuống cấp là chính xác.
“Do đoạn đường này sử dụng đã lâu, cộng với đợt mưa lớn vừa rồi và xe tải chở keo lưu thông khá nhiều khiến cho lớp đất trên mặt đường bị nhão, gây trơn trượt, hình thành các ổ gà, ổ voi lớn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Xã đã có báo cáo lên UBND huyện và sẽ có lực lượng khắc phục tạm thời, phục vụ việc đi lại của bà con”, ông Trần Văn Trường nói.
Theo ông Trần Văn Trường, tuyến đường ĐH3 có hư hỏng nhưng không phải toàn bộ cả tuyến. Cụ thể, tuyến đường ĐH3 đi qua địa bàn 3 xã là Tam Anh Nam, Tam Thạnh, Tam Sơn và được chia thành 3 đoạn. Trong đó, đoạn thứ nhất từ Quốc lộ 1A đến đoạn đường nối 2 khu công nghiệp đã được xây dựng xong. Đoạn thứ 3 là từ hầm chui đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đi xã Tam Thạnh đang bước vào giai đoạn 2, hiện đang làm công tác giải phóng đến bù để thi công. Riêng chỉ có đoạn thứ 2 (nằm giữa hai đoạn trên, bắt đầu từ đường nối 2 khu công nghiệp đến hầm chui cao tốc) là bị hư hỏng, xuống cấp.
“Sở dĩ đoạn thứ hai nằm trên tuyến ĐH3 bị hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn chưa được sửa chữa là vì thuộc thẩm quyền quản lí của UBND huyện Núi Thành chứ không phải xã. Cùng với đó, đoạn đường này nằm trong vùng dự án của một doanh nghiệp, diện tích đền bù lên đến 451 ha và hiện đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng nên không thể đầu tư sửa chữa được”, ông Trần Văn Trường lý giải.
Đường hư hỏng, xuống cấp lâu năm, nay tiếp tục ''oằn lưng'' gánh xe chở gỗ keo khiến đường nát như tương. |
Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Lê Văn Sinh thông tin, tuyến ĐH3 nối 3 xã của huyện đã xuống cấp, trong đó đoạn qua địa bàn xã Tam Anh Nam nằm trong vùng dự án nên chưa thể sửa chữa. Sau khi dự án hoàn thành thì sẽ làm đường khác để người dân đi.
Giám đốc Ban quản lý dự án quỹ đất huyện Núi Thành Nguyễn Quang Thạnh cho biết thêm, hiện đã có dự án sửa chữa nâng cấp đoạn đường bị hư hỏng này với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng huy động một nguồn vốn khác để sớm sửa chữa một số đoạn hư hỏng khác trên tuyến. “Trước mắt, đơn vị đã cử lực lượng chở vật liệu đến sửa chữa, khắc phục tạm thời các ổ voi, ổ gà để thuận tiện cho việc đi lại của bà con địa phương”, ông Nguyễn Quang Thạnh nói.