Dự án bị gia hạn tiến độ
Dự án đường nối ĐT609C đến Quốc lộ (QL) 14B có tổng chiều dài 3,93km, kể cả phần cầu. Trong đó, phần đường có mặt cắt ngang nền rộng 9m, mặt và lề gia cố rộng 8m; cầu An Bình dài 1.060m; điện chiếu sáng mới được đầu tư trên toàn tuyến. Công trình được khởi công xây dựng đầu năm 2022. Tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 440 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 110 tỷ đồng.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp người dân lưu thông từ Quốc lộ 14B qua cầu An Bình đến vùng B Đại Lộc; qua cầu Sông Thu vào địa phận Duy Xuyên, nhập vào Quốc lộ 14H ngay ngã ba đường vào Khu di tích Mỹ Sơn. Từ đó góp phần hình thành trục đường chiến lược Bắc - Nam của tỉnh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Theo kế hoạch ban đầu, công trình sẽ được thi công trong 999 ngày. Dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024, các đơn vị phấn đấu hoàn thành vào dịp 30/4/2024. Tuy nhiên, dự án đã không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã ký Quyết định số 1745 để phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2025.
UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) tiếp tục triển khai dự án đúng quy định hiện hành của pháp luật. Tích cực phối hợp với UBND huyện Đại Lộc để hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ thi công. Các đơn vị lập lại tiến độ thi công chi tiết, huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thi công công trình đối với các hạng mục đã được bàn giao mặt bằng.
Đặc biệt, chủ đầu tư và nhà thầu gấp rút nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết nguồn cung cấp nguyên vật liệu để đảm bảo cung cấp xây dựng hoàn thành dự án theo tiến độ đã được gia hạn, đúng quy định. UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo tập trung phối hợp, tích cực thực hiện hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để bàn giao mặt bằng thi công đảm bảo tiến độ.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án chậm do liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khi mới chỉ bàn giao được khoảng 85%. Các hộ giải tỏa trắng vẫn chưa hoàn thành khu tái định cư, trong phương án phê duyệt bồi thường vướng Luật Đất đai mới. Chưa kể công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đoạn qua các khu dân cư chưa triển khai do vướng nhà và vật kiến trúc. Theo dự kiến, địa phương sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng vào quý I/2025.
Gian nan chặng về đích
Đại diện liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thanh Tùng và Công ty TNHH Thái Dương cho biết khối lượng xây lắp hiện đạt gần 80%. Hạng mục cầu An Bình đang thi công gờ lan can phần nhịp chính và nhịp dẫn mố M1; dự kiến đến tháng 12/2024 sẽ hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa mặt cầu và lắp dựng lan can tay vịn.
Riêng phần đường dẫn dự án vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng. Điển hình đoạn đầu tuyến không thể triển khai thi công khoảng 400m do vướng đất và nhà ở của người dân chưa giải tỏa xong, đang chờ xây dựng khu tái định cư xã Đại Minh. Khu vực đường dẫn phía bắc cũng còn vướng khoảng 210m với 6 hộ dân cần được bố trí tái định cư tại nơi ở mới. Hơn 100m vướng cơ sở xưởng sản xuất bột cá nằm bên trái tuyến của dự án. Khối lượng đất đắp vẫn còn thiếu khoảng 105.000m3.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khối lượng công việc trên toàn dự án giao thông ĐT609C đến Quốc lộ 14B không nhiều do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Nhà thầu vì vậy không huy động nhiều nguồn lực về nhân sự và máy móc lên công trường. Riêng phần cầu An Bình gần như đã thi công xong, chỉ còn chờ thảm nhựa. Đối với đường dẫn ách tắc nhiều điểm, thi công thảm nhựa từng đoạn không liền mạch.
“Nút thắt” lớn nhất chính là khu tái định cư cho các hộ bị giải tỏa trắng thuộc hai xã Đại Minh và Đại Quang. Theo quan sát, hai khu tái định cư đang được thi công nhưng chưa hoàn thiện. Quá trình làm mặt bằng và hạ tầng đang gặp trở ngại vì thời tiết bước vào mùa mưa.
Theo ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, dự án đã được UBND tỉnh đưa vào diện chỉ đạo thực hiện cấp bách hoàn thành, đặc biệt tập trung giải phóng và bàn giao mặt bằng. Huyện đã bàn giao đất nông nghiệp 100%, tiếp tục tập trung xây dựng khu tái định cư. Địa phương cũng thành lập tổ công tác ở từng xã, tổ công tác cấp huyện vận động người dân có thể bàn giao mặt bằng trước; vận dụng cơ chế, chính sách đúng quy định để hỗ trợ cho người dân.
Đối với nguyên liệu đất đắp, toàn huyện Đại Lộc chỉ có một mỏ được cấp phép tại thôn Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) khoảng 3,5ha. Nhưng địa bàn lại có nhiều công trình của huyện, tỉnh đang thi công nên cần khối lượng đất đắp lớn. Địa phương đang đề xuất tỉnh cho tận thu đất đắp tại thao trường huấn luyện của huyện Đại Lộc (địa phận xã Đại Hiệp) dư gần 200.000m3 để cung cấp cho các công trình của tỉnh và huyện.