Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam: Mong mỏi có cây cầu qua con suối Hóc Xoài

Đông Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 150 hộ dân của thôn Ninh Khánh 1 (xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bao nhiêu năm nay vẫn mong mỏi có một cây cầu. Nhưng mong ước đó chưa biết bao giờ mới trở thành hiện thực…

Con suối Hóc Xoài chạy qua địa phận thôn Ninh Khánh 1 dài hơn 5 km, chạy bao bọc quanh thôn đã gây chia cắt nhiều diện tích đất canh tác, cũng như khó khăn cho việc đi lại của người dân. Không có cầu, để qua được đất canh tác phía bên kia suối, người dân không còn cách nào khác là phải lội bộ. Đó là mùa nước “nông”, song với những ngày lũ về, nhiều hộ dân hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Hành trình đi tìm con chữ của các em nhỏ tại đây cũng dường như nhọc nhằn hơn mỗi ngày…
 Đưa học sinh qua suối
Bà Phùng Thị Mai năm nay 77 tuổi. Suốt 30 năm qua từ ngày bà Mai theo chồng về ở bên kia khe Hóc Xoài. Bà kể: Cách đây không lâu, vào một ngày yên lành, dân làng đã nhận một tin dữ khi biết con của chị Trần Thị Lữ (người dân trong làng) đã bị thương tích do đuối nước, khi em theo mẹ ra đồng làm ruộng đã không may trượt chân theo con nước. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, cả bà và gần 700 người dân nơi đây chỉ biết chọn cách duy nhất là lội bộ qua con suối, bất kể ngày nắng hay ngày mưa.
Bà Mai trải lòng, “gắn bó với nơi đây giờ cuối đời rồi, không mong muốn gì hơn là mong có một cây cầu để con cháu qua lại bớt nguy hiểm, được đến trường học mỗi ngày.”

Chị Trần Thị Mỹ Vương, người trong thôn tâm sự, “ngày nào cũng hai lần theo con đi học, hai lần đón con trở về nhà mới yên tâm. Cũng chẳng dám đi làm ăn xa được vì quanh năm phải đưa đón con. Riết rồi chúng tôi tự họp lại, bàn bạc phân công người đưa đón. Rồi việc làm mùa của chúng tôi cũng vô cùng vất vả, quanh năm lăn lôn đến mùa thu hoạch, tưởng chừng như thu được kết quả. Nhưng vận chuyển lương thực, hàng hóa qua lại thông thương vô cùng khổ, không cẩn thận là nhúng nước ướt hết lúa, mất trắng cả vốn liếng chăm sóc cả năm trời”.

Trưởng thôn Trương Thị Bé cho biết, thôn Ninh Khánh 1 có hơn 150 hộ, có 35 hộ nghèo, với hơn 700 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp gần 300ha. Có hơn 10 hộ dân tại đây là bị chia cắt hoàn toàn bởi dòng suối, khi muốn thông thương bên ngoài, bắt buộc phải lội qua khe suối Hóc Xoài.
Trước đây, con đường liên thôn trong dân cũng chỉ bùn đất. Người dân phải băng bùn cả trăm m đất để đến từng nhà, nhờ có mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, bà con đồng tình hiến đất, hiến công làm đường. Giờ đường xá đã liên thôn. Duy chỉ có mong mỏi được sớm có cây cầu để người dân và con cháu đi lại không nguy hiểm. Trong thôn không có trường, nên khi các bé bắt đầu học mẫu giáo, ba mẹ đã phải thay nhau đưa đón cho đến khi con học hết cấp 3.

Ông Lê Văn Ni, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, hiện xã đang vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí để xây dựng cầu. Với nguồn kinh phí quá lớn khoảng hơn 300 triệu đồng, nên việc quyên góp gặp nhiều khó khăn. Hiện đang là mùa mưa lũ, vì vậy chuyện vượt suối đi học của các em rất khó khăn. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động nhân dân tiếp tục cắt cử nhau đưa con em qua suối đi học, nghiêm cấm mọi hoạt động qua lại khi có lũ về, nhưng về lâu dài, mong muốn có một cây cầu dân sinh là điều cần thiết nhất”.
Ông Đinh Phú Thành, trưởng đoàn từ thiện Sen Hồng (thành phố Đà Nẵng) cho biết: Sau khi tìm hiểu về những khó khăn của địa phương, ông đã liên lạc cùng xã để có phương án thiết kế xây dựng cây cầu. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng thì quá sức huy động của CLB, nên đoàn cũng đang kêu gọi thêm nhiều tổ chức, cùng bạn đọc cả nước để cùng chung tay xây dựng.