Dự án trùng tu sẽ bố trí kinh phí di dời các phần mộ nằm gần khu di tích ra khỏi vùng lõi, hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó sẽ khoanh vùng toàn diện và tiến hành lập quy hoạch trùng tu bảo tồn.
Việc đầu tư bảo tồn, tu bổ Tháp Sáng sẽ góp phần phục hồi, ổn định lâu dài cho cấu trúc kiến trúc; bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Quảng Nam dự kiến sau khi quy hoạch, trùng tu sẽ kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tâm linh, bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi nhằm đảm bảo an toàn cho khu di tích.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng vừa đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo giải pháp gia cường, bảo tồn nền móng và tái định vị vật liệu rơi vỡ ngay sau khi khai quật khảo cổ. Bổ sung lớp vật liệu bảo vệ khối xây gốc sau khi phát lộ.
Đối với việc tu bổ tháp cổng hiện còn thì ưu tiên giải pháp gia cường, ổn định kết cấu phần kiến trúc tháp đang còn đứng vững. Giải pháp này cũng cần cân nhắc đảm bảo tính mỹ quan, phù hợp, có thể tham khảo đối với việc gia cường một số công trình tháp Chăm khác.
Các phía còn lại chỉ xây bổ sung khối tường theo mặt bằng đế tháp, khối xây đặt trên lớp vật liệu bảo vệ nền móng gốc để chủ yếu nhằm mục đích neo giữ, ổn định khối cửa tháp hiện còn. Không phục dựng như hồ sơ đề xuất.
Đối với việc thăm dò, khai quật khảo cổ khu vực xung quanh chân tháp, UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan thực hiện thủ tục và hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (chủ đầu tư) thực hiện các nội dung theo đề nghị của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) thuộc thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện.
Đầu tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã có buổi khảo sát thực địa di tích Phật viện Đồng Dương. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định di tích có giá trị lớn trong công tác nghiên cứu, khảo cổ lịch sử. Do đó, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam cần nhanh chóng triển khai công tác trùng tu, bảo tồn, bảo vệ di tích.
Như báo Kinh tế & Đô thị từng phản ánh, Phật viện Đồng Dương được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng tiếc, khu di tích đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, hiện nay chỉ còn lại phần tường tháp - được Nhân dân gọi là Tháp Sáng - cùng với nền móng của các công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên, cổng Tháp Sáng đã xuống cấp nghiêm trọng; gạch vữa rơi rớt, có nguy cơ sụp đổ nếu không có giải pháp bảo vệ tiếp theo. Hệ thống dàn chống dựng bằng thép chỉ nhằm gia cố khẩn cấp.
Theo nhiều tài liệu, Phật viện Đồng Dương được hình thành và phát triển vào khoảng thế kỷ 9 - 11. Đầu thế kỷ 20, những cuộc khai quật khảo cổ học của các học giả người Pháp đã phát hiện cả một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn vào loại bậc nhất, độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện quần thể di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3ha.