Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố (TP) trực thuộc trung ương (T.Ư).

Đến năm 2030, Quảng Nam là tỉnh phát triển khá của cả nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia…

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của Quảng Nam đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 4,9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 - 17,0%.

Cũng đến năm 2023, GRDP bình quân đầu người của Quảng Nam phấn đấu đạt trên 7.500 USD; năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm; kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP.

Tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%. Thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%.

Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ hình thành và phát triển thêm các khu công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và vùng. Ảnh: Quang Hải
Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ hình thành và phát triển thêm các khu công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và vùng. Ảnh: Quang Hải

Cũng giai đoạn này, Quảng Nam phấn đấu thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa.

Quảng Nam phấn đấu vào nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số.

Đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn quốc tế

Quyết định quy hoạch cũng xác định rõ, đến năm 2030, đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F.

Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; trên 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh.

Hình thành một số loại hình giao thông thông minh. Hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.  

Trở thành TP trực thuộc T.Ư vào năm 2050

Quy hoạch cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, phấn đấu trở thành TP trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách.

Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Để đạt được những mục tiêu trên, Quảng Nam cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng, vai trò có tính động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai; tiềm năng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng cần phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới như: du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe…