Đường xuống cấp nghiêm trọng
Tuyến Quốc lộ (QL) 14D phục vụ việc vận chuyển hàng hoá từ Lào về Việt Nam và ngược lại. Đây còn là con đường huyết mạch thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang xuống các cảng biển khu vực miền Trung. Nhưng nhiều năm qua, con đường này xuống cấp nghiêm trọng. Mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, thậm chí còn xuất hiện tình trạng sạt lở, đe dọa các phương tiện và người dân lưu thông.
Theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế và Đô thị, từng đoàn xe đầu kéo nối đuôi nhau băng qua cung đường đầy những khúc cua; mặt đường thì nát như ruộng cày. Do đang vào mùa mưa nên tuyến đường càng trở nên nham nhở, nhiều đoạn bong tróc xuất hiện đọng nước biến thành “ổ gà", "ổ voi”.
QL 14D có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung nhưng nhiều đoạn chỉ rộng 3,5m. Vì vậy các đoàn xe có trọng tải lớn khi lưu thông thường di chuyển rất chậm, thậm chí nối đuôi nhích từng tí một. Điều này khiến các phương tiện khác như xe máy, xe ô tô gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Hiện cửa khẩu quốc tế Nam Giang mỗi ngày đón hàng trăm lượt xe tải vận chuyển hàng hóa, xe đầu kéo vận chuyển quặng từ các tỉnh Đông Nam Thái Lan và Hạ Lào vào miền Trung Việt Nam. Từ cửa khẩu này, các phương tiện đi qua QL 14D dài 75km để đến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Nam Giang. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường này nhanh xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng.
Thường xuyên công tác khu vực huyện Đông Giang và Nam Giang, anh Phan Đình Trọng cho biết QL 14D có tiếng về mức độ “tan nát và kẹt xe”. Thời gian qua trên địa bàn có mưa nên con đường tiếp tục lầy lội nhiều đoạn. Người tham gia giao thông còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi xe đầu kéo nối đuôi chạy suốt ngày đêm. Mỗi lần lưu thông qua tuyến đường này gặp rất nhiều phiền hà, khó chịu và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Nhà ở huyện Nam Giang, công tác huyện Đông Giang nên hành trình trên tuyến đường QL 14D của anh Đinh Ngọc Lâm ngày càng trở nên ám ảnh bởi tình trạng đường sá xuống cấp nhanh, đặc biệt đối mặt với các đoàn xe “quá tải, quá khổ” lưu thông cả ngày lẫn đêm. Do đường hư, chật hẹp và nhiều khúc cua nên anh thường xuyên chứng kiến các xe trật bánh, rơi xuống mương thoát nước.
Đánh thức vùng kinh tế Đông - Tây
Trước tình trạng xuống cấp trầm trọng, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh Quảng Nam quản lý và bảo trì QL 14D. Trong năm 2024, có 4 công trình tổng chiều dài mới sửa chữa được khoảng 15/74,4km toàn tuyến nên chưa đảm bảo để giải quyết hết các vấn đề về an toàn giao thông, đảm bảo nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung việc sửa chữa tuyến đường này theo kiểu chắp vá, không mấy hiệu quả và thậm chí gây lãng phí.
UBND tỉnh mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư và sớm triển khai thi công nâng cấp, cải tạo theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại các Công văn số 9927/VPCP-CN ngày 20/12/2023 và số 798/VPCP-CN ngày 01/02/2024 của Văn phòng Chính phủ. Cũng trong thời gian chờ thi công toàn tuyến, Bộ GTVT cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đi lại thuận lợi, khắc phục ùn tắc tại 10 đường cong có bán kính nhỏ và hẹp, chưa được cải tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định việc đi lại trên tuyến QL 14D là vô cùng khó khăn vì xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi lưu thông qua đây mới cảm nhận hết được sự khó khăn, vất vả của bà con vùng núi, rộng hơn vùng biên giới với nước bạn Lào.
Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và Bộ GTVT để bố trí nguồn lực nâng cấp, mở rộng QL14D nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa được đầu tư.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, QL 14D có vai trò hết sức quan trọng đối với hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đường Hồ Chí Minh với cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Đây cũng là khu vực còn nhiều tiềm năng cần được đánh thức, bởi liên quan đến hợp tác hai nước Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sê Kông nói riêng. Do đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt hạ tầng giao thông.
“Khó khăn lớn nhất chính là nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư dự án. Nhưng đứng trước nhu cầu bức thiết của người dân, tuyến đường phải sớm thực hiện, thậm chí sớm ngày nào thì tốt ngày đó” - ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.