Còn người, còn của
Xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi là địa phương ven biển bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 9. Toàn xã có gần 3.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Sau khi trở về nhà từ nơi sơ tán tập trung, nhiều người dân đã không nhận ra ngôi nhà của mình. Mái tôn bị gió cuốn bay, tài sản trong nhà cũng bị mưa ướt gây hư hỏng nặng.
Ông Phạm Quang Khải, Xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi xót xa: “Đợi hết gió rồi mua tôn về sửa, phải cố gắng chứ biết làm sao?".
Trong khi đó, tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, bão số 9 cũng làm hàng trăm nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái. Cây cối đổ ngã nằm ngổn ngang chia cắt nhiều tuyến đường.
Bà Tiêu Thị Tuyết (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) chia sẻ: “Đêm qua đi sơ tán tới nơi an toàn, khu vực này sát biển nên mọi người ai cũng đi hết. Lúc về thấy nhiều nhà bị tốc mái, đồ đạc trong nhà ngấm nước biển bởi triều cường lên cao nhưng vẫn còn thấy may. Nếu chúng tôi không sơ tán, có lẽ không tránh khỏi thương tích, bị gạch ngói, cây cối rơi trúng. Giờ dù có thiệt hại, nhưng thôi, còn người, còn của”.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 dù không gây thiệt hại về người nhưng đã làm sập đổ 8 ngôi nhà; 37.164 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 31 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng: 28 trường học bị tốc mái ; 2 Chợ bị hư hỏng. Một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. Các con số thiệt hại về nông nghiệp, giao thông…vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng.
Gồng mình sau bão
Dù bão đi qua nhưng Quảng Ngãi đang đối mặt với nguy cơ lũ lụt ở nhiều nơi sau bão khi mà vào chiều 28/10, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi tin lũ khẩn cấp trên các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay lũ trên các sông tại Quảng Ngãi đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 13 giờ ngày 28-10 trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 3,63m, trên mức báo động 2: 0,13m; trên sông Trà Khúc tại trạm Sơn Giang 37,2m, dưới mức báo động 3: 0,74m; tại trạm Trà Khúc 3,1m, dưới mức báo động 1: 0,04m; trên sông Vệ tại trạm An Chỉ 8,41m dưới mức báo động 2: 0,19m; trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu 5,8m, trên mức báo động 3: 0,3m.
Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh. Mực nước trên tất cả các sông đều có khả năng vượt mức báo động 3 từ 0,3-1m.
Đặc biệt, hiện nay hồ thủy điện Đắkđrinh đang xả lũ với lưu lượng 1.680m3/s; hồ chứa nước Nước Trong 1.100m3/s. Vì vậy trong 6-12 giờ tới, mực nước trên các sông tiếp tục lên cao. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phát đi công điện khẩn gửi các các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, lực lượng chức năng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa, lũ sau bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thống kê, khắc phục thiệt hại ngay sau bão tan, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ sau bão với nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt trong phương án của địa phương và kịch bản ứng phó tình huống mưa, lũ lớn sau bão …
Tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống lũ sau bão số 9; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người.
Ngay sau cơn bão đi qua, chiều tối ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đi thăm những người dân bị thiệt hại do bão số 9 và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão ở các xã khu đông TP Quảng Ngãi.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy cuộc sống của người dân sau bão gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP và các địa phương phải bố trí nơi sinh hoạt cho bà con đảm bảo đừng có để người dân màn trời chiếu đất; đảm bảo cho bà con có đủ lương thực trong những ngày mà nhà cửa bị hư hại. Đặc biệt, phải tổ chức khử trùng vệ sinh để dịch bệnh khỏi bùng phát , đảm bảo cuộc sống cho bà con sau bão.
“Về lâu dài chúng tôi sẽ nghiên cứu xin Trung ương hỗ trợ cho những bà con có hoàn cảnh thật sự khó khăn không có đủ điều kiện để sửa chữa lại nhà “, ông Đặng Văn Minh cho biết.