Nhiều bất cập
Anh Đoàn Hiệp (xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh) cho biết: “Vì đặc điểm công việc nên tôi hay đi qua cầu Thạch Bích, tuy nhiên thấy khu vực này khá nguy hiểm vì độ dốc của cầu lớn, khi xuống dốc nếu các phương tiện không làm chủ tốc độ thì dễ gây va chạm với các phương tiện bên dưới đầu cầu”.
Các đoạn đường tiếp giáp với hai đầu cầu Thạch Bích vừa chật hẹp, vừa có độ gấp lớn, người đi đường rất khó quan sát |
Anh Hiệp cũng cho hay, hiện các đoạn đường tiếp giáp với hai đầu cầu Thạch Bích khá chật hẹp, có độ gấp lớn, người đi đường rất khó quan sát được ba hướng, mặc dù đã có hệ thống chú ý quan sát ở hai bên cầu.
Theo người dân tham gia giao thông qua đây, để hạn chế thấp nhất nguy cơ gây tai nạn, cầu Thạch Bích cần thiết phải có hệ thống đèn báo hiệu, hoặc vòng xoay (mở rộng thêm đường) để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Dự án cầu Thạch Bích được các Sở chuyên ngành thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt và giao UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Vào tháng 6/2019 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khánh thành thông xe cầu Thạch Bích sau gần 3 năm thi công. Đây là cây cầu thứ tư bắc qua sông Trà Khúc, đoạn qua TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án cầu Thạch Bích có tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 2,4km, đường dẫn cầu dài khoảng 1,5km. Điểm đầu giao với ngã ba đường Chu Văn An và đường Tôn Đức Thắng (phường Trần Phú), điểm cuối giao với Quốc lộ 24B.
Tuy nhiên, vừa mới đưa vào sử dụng, cây cầu này và các đoạn đường kết nối 2 bên đầu cầu đã bộc lộ những bất cập, gây mất an toàn giao thông. Theo thống kê đã có 3 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ở 2 đầu cầu, trong đó có 1 vụ nghiêm trọng làm một học sinh tử nạn.
Cần tìm lời giải hợp lý
Theo UBND TP Quảng Ngãi, việc thiết kế nút giao cắt giữa các công trình cầu, đường nói chung, phương án tối ưu để đảm bảo an toàn giao thông tại nút là bố trí các nút giao kiểu giao cắt khác mức. Tuy nhiên, việc bố trí nút giao khác mức sẽ dẫn đến kinh phí; phạm vi ảnh hưởng cần phải bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư tăng lên đáng kể.
Đối với dự án cầu Thạch Bích, sau khi đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán, đề xuất phương án thiết kế, các đơn vị liên quan nhận thấy cầu Thạch Bích có chiều cao và độ dốc không quá lớn nên thống nhất lựa chọn các nút giao của dự án theo kiểu giao cắt cùng mức vì cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, đồng thời giảm chi phí xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng và số hộ cần phải tái định cư.
Trong quá trình thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án, đơn vị tư vấn đã tính toán, đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao (đặc biệt là các nút giao tại hai đầu cầu giao với đường Tôn Đức Thắng và đường Tế Hanh) như: Nắn chỉnh huớng tuyến của đường Tôn Đức Thắng, Tế Hanh; bố trí hệ thống an toàn giao thông theo quy định (biển báo hiệu, đèn nhảy vàng cảnh báo, sơn kẻ đường, sơn gờ giảm tốc).
Tuy nhiên, sau khi cầu Thạch Bích hoàn thành và đưa vào sử dụng thì việc lưu thông tại các nút giao thông có nguy cơ mất an toàn. Do đó, UBND TP Quảng Ngãi đã chỉ đạo một số công việc gồm: Mở rộng bản kính cong tại nút giao thông phía Bắc cầu Thạch Bích; chặt toàn bộ cây cối che khuất tầm nhìn, chỉ đạo lắp camera 2 đầu cầu để giám sát.
Trong thời gian tới, UBND TP sẽ nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh lắp biển báo hiệu hạn chế tốc độ trong khu vực cầu. Sau khi thực hiện các công việc nêu trên, UBND TP sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo việc đi lại của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng, việc khắc phục các bất cập tại cầu Thạch Bích hoàn toàn nằm trong khả năng của UBND TP và Sở Giao thông Vận tải. Hai đơn vị này cần phối hợp để có các giải pháp phù hợp.
“Không chỉ riêng tại Quảng Ngãi, nhiều tỉnh, thành lân cận cũng có bất cập khi thực hiện các dự án cầu bắc qua sông, điển hình như cầu Rồng ở Đà Nẵng. Do đó, các đơn vị liên quan có thể học tập kinh nghiệm cách khắc phục để áp dụng trong trường hợp của cầu Thạch Bích”, ông Đặng Ngọc Dũng nói.