Ông Lê Văn Thiệu (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nuôi 5 con bò, trong đó có 3 con mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) với các triệu chứng như da nổi sần, bỏ ăn, suy nhược...
Sợ bò chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế, ông dốc sức chạy chữa. Sau khi được thú y xã đến tiêm thuốc và hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, 3 con bò bị bệnh dần khỏe lại.
“Bò bị VDNC dù khỏi bệnh cũng có ảnh hưởng về thể trạng, nó sẽ không được khỏe mạnh, phát triển bình thường như trước. Để bảo vệ đàn bò, ngoài những con được hỗ trợ tiêm vaccine VDNC, tôi cũng chủ động mua và tiêm một số vaccine phòng dịch bệnh cho những con còn lại”- ông Thiệu nói.
Trong khi đó, bà Võ Thị Ngọc Hà (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) đã tốn khoản tiền kha khá để chữa trị cho đàn bò của gia đình nhưng kết quả vẫn không khả quan.
“7 con bò bị viêm da nổi cục hơn 1 tháng qua. Tôi gọi thú y đến tiêm thuốc và vệ sinh chuồng trại, tốn gần 8 triệu đồng mà chúng vẫn chưa hết bệnh”- bà Hà buồn rầu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày 10/1 đến ngày 11/3, có 13/22 xã, thị trấn ở huyện Bình Sơn xuất hiện trâu, bò mắc bệnh VDNC với số lượng 112 con, trong đó có 11 con bị chết, buộc phải tiêu hủy.
Để khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh, ngành chức năng huyện Bình Sơn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra và giám sát tiêu hủy bò chết đúng quy trình. Đồng thời, cung cấp vaccine VDNC, hóa chất diệt ve, ruồi, muỗi… cho các xã, thị trấn. Hiện 14.875 liều vaccine VDNC đã được phân bổ đến các địa phương để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc.
“Sau khi phát hiện bệnh VDNC trên đàn gia súc, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời triển khai tiêm vaccine. Đến nay đã có 14 con khỏi bệnh VDNC, số còn lại đang điều trị”- ông Ngô Văn Thành- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết.
Tại thị xã Đức Phổ, dịch bệnh VDNC ở trâu, bò cũng xảy ra trên địa bàn của 3 xã, phường với 14 con mắc bệnh. Trong đó, có 3 con chết và tiêu hủy bắt buộc.
Để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng, chính quyền thị xã Đức Phổ yêu cầu đơn vị chức năng phối hợp các địa phương đang có dịch VDNC tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch.
Theo ông Ngô Hữu Hạ- Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi, sau khi phát hiện ổ dịch bệnh VDNC, ngành chức năng khẩn trương xử lý, không để lây lan trên diện rộng.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý, hạn chế lây lan ra diện rộng. Công tác tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại cũng phải được chú trọng”- ông Hạ nói.
Cũng theo ông Hạ, đối với 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen chăn nuôi trâu bò thả rông trên rừng nên việc tiêm phòng vaccine rất khó khăn. Đơn vị đã đề nghị ngành chức năng các huyện này tuyên truyền, vận động bà con đưa gia súc về nhà để tiêm phòng đầy đủ.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có đàn trâu, bò khoảng 340.000 con. Từ năm ngoái đến nay, giá bò giảm 50%, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng kèm dịch viêm da nổi cục hoành hành khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.