Bờ biển tan hoang, đời sống hàng trăm người dân bị đe dọa
Những ngày qua, tình trạng sạt lở bờ biển tại 2 thôn An Cường và Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiếp tục diễn biến phức tạp. Sóng biển đã lấn sâu vào bờ từ 4 - 6 m, uy hiếp hàng trăm hộ dân sinh sống ở các làng chài của 2 thôn này.
Hơn 2/3 ngôi nhà bị sóng đánh sập, bà Huỳnh Thị Tuyết (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) phải mua tấm bạt phủ vào vị trí móng nhà sạt lở. “Làm như vậy vừa để ngăn nước mưa từ trên đồi chảy xuống, vừa giảm thiểu tác động của sóng biển. Bao nhiêu năm tích góp mới xây được ngôi nhà, giờ thì biển đã tàn phá tan nát cả rồi", bà Tuyết than thở.
Theo ông Đỗ Thiết Khiêm - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, triều cường xâm thực sâu vào bờ, đe dọa hàng trăm hộ dân ở xã Bình Hải. Những ngày gần đây, sóng lớn đã gây sập nhiều nhà dân.
Được biết, bờ biển các thôn An Cường, Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đã bị sạt lở từ năm 2009 do ảnh hưởng bão số 9 – Ketsana và tiếp tục bị sạt lở hàng năm. Đặc biệt, do cơn bão số 6, số 9 năm 2020 và triều cường mạnh, bờ biển khu vực này tiếp tục có diễn biến sạt lở mạnh, ăn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khoảng 170 hộ dân với chiều dài sạt lở khoảng 1.550m. Trong đó có khoảng 1.200m bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đã gây sập đổ, hư hỏng nhà ở của người dân. Diễn biến sạt lở vẫn đang tiếp tục nghiêm trọng thêm do ảnh hưởng của triều cường và sóng lớn bởi gió mùa Đông Bắc.
Tại bờ biển thôn Phước Thiện bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài khoảng 800m, đã gây sập đổ và hư hỏng nặng 6 nhà dân. Nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng, gây thiệt hại thêm 26 ngôi nhà.
Bờ biển thôn An Cường cũng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng khoảng 400m, đã sập đổ và hư hỏng nặng 3 nhà dân, nguy cơ ảnh hưởng, thiệt hại thêm 15 ngôi nhà.
Mới đây, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển tại xã Bình Hải. Qua kiểm tra mức độ sạt lở, đối chiếu quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã kết luận: 2 điểm sạt trên đều ở mức sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Kiến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, trên sơ sở kiến nghị của UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Hải và ý kiến thống nhất đại diện các sở, ngành, địa phương tại buổi kiểm tra, để kịp thời hạn chế sạt lở bờ biển tại thôn An Cường và thôn Phước Thiện, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trước mắt đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chủ động xử lý sạt lở tại thôn Phước Thiện và An Cường theo đúng quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, đặc biệt lưu ý biện pháp sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt diễn biến sạt lở.
Chỉ đạo cơ quan chức năng và nhân dân dùng rọ đá, bao cát, vật liệu… để gia cố tạm thời, hạn chế sạt lở. Đáng chú ý, sở kiến nghị cần tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định.
Về phương án lâu dài, để bảo vệ người và tài sản nhân dân và nhà nước, cần phải đầu xư xây dựng công trình kiên cố chống sạt lở bờ biển tại 2 thôn này.
Nhận định sạt lở sẽ tiếp tục diễn biến mạnh thêm do triều cường và sóng lớn trong trong thời gian tới, để kịp thời xử lý sạt lở, Sở NN&PTNT đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đối với sạt lở bờ biển tại 2 thôn trên, để chính quyền địa phương có cơ sở và chủ động triển khai biện pháp xử lý trước mắt theo quy định trong khi chờ đầu tư công trình kiên cố chống sạt lở.
Bên cạnh đó, bố trí kinh phí đầu tư công trình chống sạt lở khẩn cấp tại thôn Phước Thiện và An Cường với tổng chiều dài 1.200m (Phước Thiện 800m, An Cường 400m), tổng kinh phí khai toán khoảng 100 tỷ đồng.
Được biết, để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, Đồn Biên phòng Bình Hải đã tổ chức lực lượng giúp dân làm kè chắn dọc theo tuyến bờ biển thôn Phước Thiện.
Tại những khu vực nhà dân bị sóng biển bào mòn, có nguy cơ sập đổ, Đồn Biên phòng Bình Hải phối hợp với lực lượng dân quân địa phương tích cực, khẩn trương sử dụng bao tải, dồn cát che chắn, ngăn chặn triều cường giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng vận động người dân trong vùng nguy hiểm sơ tán đến khu vực khác để đảm bảo an toàn.