Những kết quả đáng ghi nhận
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 (Nghị quyết số 23) của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 (Nghị quyết số 52) của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Quảng Ngãi đã nghiêm túc, kịp thời triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vai trò của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2023 đạt 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP từ 37,5% vào năm 2018 đã tăng lên 42,3% vào năm 2023. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP năm 2018 đạt 36,6%; năm 2023 đạt 40,2%.
Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ năm 2018 chiếm 50,9% thì đến năm 2023 chiếm 67% lao động toàn tỉnh. Cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trên địa bàn tỉnh thành lập được 6 khu công nghiệp (KCN) trong Khu kinh tế (KTT) Dung Quất và 2 KCN ngoài KKT Dung Quất với tổng diện tích hơn 2.000 ha; có 24 cụm công nghiệp diện tích 427 ha.
Đến nay, Quảng Ngãi thu hút 490 dự án công nghiệp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 393 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn đã và đang triển khai thực hiện như: dự án KCN Đô thị - Dịch vụ VSIP I, II Quảng Ngãi; dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất;…
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi, nhiều sản phẩm mới được hình thành. Các doanh nghiệp chú trọng hơn trong công tác đầu tư chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, hoạt động nghiên cứu ứng dụng đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Hạ tầng số cơ bản đầu tư đồng bộ, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã, cơ bản; hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã thực hiện ứng dụng chứng thư số, chữ ký số. Hơn 66,4% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 72,35% doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35%... Giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt 5,55%.
Cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 23 ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển làm Trưởng đoàn vào ngày 27/6, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ thêm kết quả cũng như những khó khăn, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 23. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị là 2 Nghị quyết cần thiết và quan trọng vì đề cập đến các lĩnh vực có ý nghĩa hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ngay sau Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết, tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm túc triển khai kịp thời, bài bản và đạt được nhiều kết quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Thời gian tới, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, tiếp tục quan tâm, có định hướng để phát huy thế mạnh của địa phương; quan tâm hỗ trợ lại các nguồn thu từ KKT Dung Quất để Quảng Ngãi có điều kiện tái đầu tư cho KKT. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển Trung tâm Năng lượng Lọc hóa dầu Quốc gia…”- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiến nghị.
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, trên cơ sở các nội dung trao đổi tại cuộc làm việc, tỉnh sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Ban Kinh tế Trung ương, gắn với đó là các đề xuất, kiến nghị để góp phần tháo gỡ những khó khăn chung trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Dịp này, các thành viên trong Đoàn công tác cũng tập trung trao đổi một số nội dung như: chính sách phát triển công nghệ thông tin, tạo môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển doanh nghiệp; phát triển khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp; phát triển thị trường khoa học và công nghệ;...
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai cũng như những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị tại Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, chia sẻ với những băn khoăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết.
Cùng với nội dung báo cáo và tất cả những ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, Tổ biên tập của Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu và làm cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện báo cáo đề án sơ kết Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 trình Bộ Chính trị.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất mang tính cấp thiết của tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn công tác sẽ tách thành báo cáo chuyên sâu để kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, chỉnh sửa, hoàn thiện thể chế, chính sách cho phù hợp trong thời gian tới.