Bà Phạm Thị Kiểm (59 tuổi, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đang tranh thủ thu hoạch hết 5 sào củ sắn đã đến vụ để bán cho thương lái. Mặc dù đầu tư, chăm sóc không nhiều nhưng vụ này bà cũng thu về khoảng 35 triệu đồng.
“Đầu vụ củ sắn có giá 2.000 đồng/1kg, nay lên được 4.000 đồng/1kg. Giá tăng gấp đôi nên ai cũng vui, có thêm được nguồn thu nhập để trang trải trong dịp cuối năm”, bà Kiểm chia sẻ.
Không trồng nhiều như bà Kiểm nhưng bù lại, nhờ chăm sóc kỹ nên ruộng sắn nhà ông Nguyễn Tiến Thạnh (60 tuổi, thôn Quy Thiện) rất tốt tươi, củ to tròn, 1kg chỉ chừng 2 - 3 củ. Với 700m2 trồng sắn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Thạnh thu về ít nhất 15 triệu đồng.
“Cây củ sắn phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, nhất là đối với chân đất cát nên ít sâu bệnh. Một năm, người dân trồng được 2 vụ”, ông Thạnh cho biết.
Những ngày qua, trên các cánh đồng vùng đất cát ven biển ở xã Phổ Khánh, người trồng củ sắn tất bật thu hoạch vụ cuối năm. Năm nay, củ sắn lên giá nên người dân có nguồn thu nhập đáng kể. Vì có thời gian sinh trưởng ngắn từ 3 tháng 10 ngày đến 3 tháng rưỡi nên một năm, người trồng có thể xuống giống được từ 2 - 3 vụ. Đa số hộ dân thường trồng gối vụ nên sắn được thu hoạch quanh năm với sản lượng từ 3,5 - 4 tấn/sào.
Người dân trồng củ sắn lâu năm chia sẻ, loại cây này không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng quá trình chăm sóc lại kỳ công hơn so với cây đậu, mỳ, bắp. Quan trọng nhất là làm đất kỹ, khi vừa xuống giống phải che chắn cẩn thận. Chừng 1 tháng sau đó, tiến hành bấm ngọn lần đầu và sau đó cứ cách nhau khoảng 10 ngày là tỉa hoa, nụ, thúc cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân, lá sang phát triển củ, nâng cao chất lượng củ.
Củ sắn là cây trồng truyền thống từ lâu ở vùng đất cát thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh và một phần ở phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ). Giá củ sắn khá ổn định, dao động 4.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có năm tăng lên 12.000 đồng/1kg. Đến kỳ thu hoạch, thương lái về tận ruộng thu mua, chở vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Chính vì những điều kiện thuận lợi đó mà trong khoảng 5 năm trở lại đây rất nhiều người dân chọn loại cây này để canh tác.
Theo chính quyền địa phương, toàn xã Phổ Khánh có khoảng 90ha trồng củ sắn. Vùng đất cát ven biển không phù hợp để canh tác cây lúa, nên khoảng 80% người dân ở đây phải chuyển đổi cây trồng, trong số đó, nhiều hộ chọn củ sắn. Năm nay, mưa lũ gây ngập úng nhiều nơi nên năng suất và sản lượng bình quân toàn xã không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, trung bình một héc ta sắn, người dân thu về trên 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.
“Các phụ phẩm từ cây sắn và một số cây trồng khác còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi bò sinh sản ở địa phương. Đây là mô hình chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh mùa vụ, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích đất để mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân”, ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết.