Theo ông Đỗ Minh Hoàng (thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận) cho biết, mối trăn trở của ông và hàng trăm hộ dân trong thôn là sắp tới đây Hòa Phát - Dung Quất sẽ thi công mở rộng cảng.
“Bám biển bao đời rồi, giờ hoặc là nhà nước di dời chúng tôi đi nơi khác, hoặc bố trí khu neo đậu tàu thuyền rồi hãy xây cảng. Không thể có chuyện xây cảng gây ảnh hưởng cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu. Đây là miếng cơm, là sinh kế của hàng trăm hộ gia đình", ông Hoàng phân trần.
Theo ông Hoàng, chủ trương phát triển công nghiệp ở vùng này người dân hoàn toàn thống nhất, nhưng có lẽ nên di dời dân qua nơi khác.
“Qua các cuộc họp, người dân đều kiến nghị nếu chưa có chủ trương di dời dân thì phải bố trí nơi cho họ neo tạm tàu thuyền. Nếu chưa xử lý được vấn đề này thì e rằng việc xây cảng cũng như đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Đồng Kinh Vinh - Trưởng thôn Tuyết Diêm 2 cho hay.
Cách đó không xa, tại vức 1, thôn Tuyết Diêm 1, hàng trăm ngư dân cũng đang đứng ngồi không yên khi cảng của PTSC đang triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng thôn Tuyết Diêm 1 nói: “Hôm trước, khi người ta ra cắm tiêu xác định vị trí thì tiêu nằm ngay giữa bãi neo đậu, đây là nơi các thuyền thúng, ghe nhỏ của bà con thường xuyên ra vào. Nếu làm cảng thì tàu thuyền của ngư dân “bí". Mùa sóng yên thì còn đỡ, sóng lớn bão táp thì biết làm sao?”.
Để bày tỏ ý kiến phản đối, người dân đã cắm cờ ngăn không cho đơn vị thi công mở rộng diện tích đổ đất đá, bởi nếu tiếp tục san lấp theo vị trí tiêu được xác định để làm cảng thì sẽ lấn ra nơi đậu tàu thuyền .
Ông Ngô Văn Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho hay, tại khu vực thôn Tuyết Diêm 2 đang có dự án mở rộng cảng của thép Hòa Phát- Dung Quất. Tại thôn Tuyết 1 là dự án cảng của PTSC. Nếu 2 cảng này làm thì sẽ ảnh hưởng việc neo đậu tàu thuyền, gây khó khăn cho khai thác hải sản. Tại các thôn này có khoảng 200 tàu thuyền, chưa kể thúng bé, thuyền bé của người dân.
“Việc cần lúc này là phải bố trí nơi neo đậu tàu thuyền cho bà con, đồng thời phải sắp xếp vị trí phù hợp để người dân còn bán, trao đổi hải sản. Đây là nhu cầu chính đáng của họ. Người dân làm biển trước khi có cảng chứ không phải cảng có trước”, ông Vương nói.