Đây là một trong những kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi đưa ra tại buổi làm việc với Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi với UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan vào chiều 6/5.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa vào hoạt động đến nay (2009-2022), đã nộp cho ngân sách Trung ương khoảng 115 nghìn tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu từ Khu kinh tế (KKT) Dung Quất khoảng 56 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ở giai đoạn này, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất là 1.583 tỷ đồng (bằng khoảng 0,9% nguồn thu).
Hiện nay, hệ thống hạ tầng KKT Dung Quất xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp tại đây và tình hình an ninh, an toàn, tính mạng, đời sống của Nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, đề xuất nâng mức chi đầu tư phát triển, đặc biệt là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, sử dụng 50% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương và 50% để chi đầu tư phát triển.
Nguyên nhân của đề xuất trên, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, xuất phát từ việc tỉnh là một trong 18 tỉnh, thành phố của cả nước có số thu ngân sách điều tiết về ngân sách trung ương; GRDP bình quân đầu người đạt 97,67 triệu đồng/người, tuy xếp thứ 2 so với 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tuy nhiên, nếu tính thu nhập bình quân đầu người thì Quảng Ngãi thấp hơn bình quân của cả nước; vẫn còn là một tỉnh nghèo với tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất khu vực (7,96% năm 2022), nhu cầu cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.
Hiện nay, quy định sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để thực hiện cải cách tiền lương, 30% để chi đầu tư phát triển làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực đầu tư, do đó, cần có cơ chế cho sử dụng linh hoạt hơn nếu địa phương đảm bảo đủ kinh phí cho cải cách tiền lương.
Quảng Ngãi còn mong muốn Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 quốc gia phân bổ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cho phép tỉnh Quảng Ngãi cũng như các địa phương chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh trên cơ sở chỉ tiêu đất tính toán theo nhu cầu…
Tại buổi làm việc, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan đã làm rõ một số vấn đề đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; tình hình lạm phát, hạ lãi suất; khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; những khó khăn, bức xúc của người dân huyện Tây Trà (cũ) sau khi huyện Tây Trà sáp nhập với huyện Trà Bồng…
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các giải pháp lớn của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới và lưu ý một số vấn đề cần thực hiện.
Ông Trần Quang Phương yêu cầu cán bộ của tỉnh phải thay đổi cách tiếp cận để chủ động chuyển trạng thái thích ứng và nới lỏng chính sách tài khóa; quyết liệt thực hiện điều hành của Chính phủ, cụ thể là khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Có giải pháp tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, điều hành và vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.
Đối với các kiến nghị của Quảng Ngãi, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.