Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 4 -5%/năm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đạt bình quân 4 -5%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp khoảng 48 – 50%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng.

Ngày 22/2, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này vừa ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm.

Theo đó, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp khoảng 48 – 50%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt ≥ 3%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 37%

Trên 50 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả; trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; phấn đấu đến năm 2025, có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Nhiệm vụ thực hiện đến năm 2025 là cơ cấu theo 3 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.

Kế hoạch tập trung vào các giải pháp chủ lực: Phát huy vai trò của khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và cam kết quốc tế đã ký kết; tiếp tục phát huy vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai Kế hoạch này.

Mục tiêu của kế hoạch này nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn quốc; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.