Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi gia tăng nhu cầu tiêm vaccine ngừa bạch hầu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bên cạnh chủ động nguồn vaccine đủ cung ứng cho các cơ sở để tiêm phòng bạch hầu cho người dân, ngành y tế Quảng Ngãi cũng triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Chủ động nguồn vaccine

Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số địa phương và đã ghi nhận trường hợp tử vong, thời gian gần đây, nhu cầu tiêm vaccine ngừa bạch hầu ở Quảng Ngãi đang có chiều hướng gia tăng.

Tiêm vaccine ngừa bạch hầu cho trẻ em.
Tiêm vaccine ngừa bạch hầu cho trẻ em.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, nếu như trước kia mỗi ngày chỉ tiêm khoảng 4- 5 mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu thì từ ngày 6/7 đến nay, nhu cầu tiêm vaccine ngừa loại bệnh này tăng gấp nhiều lần. Thậm chí có ngày, Trung tâm tiếp nhận từ 180 - 200 trường hợp đến tiêm phòng.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động nguồn vaccine đủ cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng để triển khai tiêm phòng cho người dân.

Bác sĩ Bùi Xuân Liêm - Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở y tế công lập và 20 cơ sở tiêm chủng ngoài công lập luôn sẵn sàng loại vaccine này. Vì vậy, người dân không nên lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine".

Người dân không nên lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine.
Người dân không nên lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine.

Để chủ động tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, không để bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh tại địa phương.

Chủ động, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh. Đặc biệt, rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung ngay vaccine bạch hầu cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định.

Tại Trạm Y tế phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi), cơ sở y tế này đang tích cực rà soát danh sách và gửi thông báo đến phụ huynh những trẻ chưa hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine 5 trong 1, trong đó, có vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Đây là mũi tiêm phòng bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện trên địa bàn phường đang có 180 trẻ dưới 1 tuổi và trên 1.600 trẻ dưới 5 tuổi.

Chị Trần Nguyễn Thị Thiều Hoa - nhân viên Trạm Y tế phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi cho hay: "Trạm đã củng cố, rà soát lại danh sách trẻ chưa tiêm bạch hầu trong chương trình tiêm chủng và gọi điện cho phụ huynh để ngày 22/7 sắp tới tiêm cho trẻ".

Cơ sở điều trị sẵn sàng kích hoạt khu cách ly đặc biệt nếu có ca bệnh.
Cơ sở điều trị sẵn sàng kích hoạt khu cách ly đặc biệt nếu có ca bệnh.

Ngoài chủ động nguồn vaccine, các cơ sở điều trị còn sẵn sàng kích hoạt khu cách ly đặc biệt nếu có ca bệnh. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện như: phòng bệnh, khu vực sinh hoạt, cách ly của bệnh nhân và cơ số thuốc cần thiết đảm bảo tiếp nhận và điều trị nếu có bệnh.

"Bệnh viện Sản nhi đã có khu điều trị chuyên biệt dành cho các bệnh lây nhiễm với đầy đủ các trang thiết bị thuốc men cũng như phòng ốc đủ các tiêu chuẩn cách ly bệnh truyền nhiễm, mục đích là tránh lây lan cộng đồng và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân"- bác sĩ Phạm Thành Quát - Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi) cho hay.

Tập trung tuyên truyền

Theo ông Phạm Minh Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống bệnh bạch hầu thì cần tập trung truyền thông cho người dân biết về bệnh này và các nguy hiểm do bệnh gây ra. Khi có các triệu chứng cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

Các bộ y tế cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh bạch hầu.
Các bộ y tế cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh bạch hầu.

"Từ tuyến xã phải phát hiện sớm, kịp thời để có biện pháp điều trị phù hợp. Rà soát lại người dân chưa tiêm bạch hầu và tổ chức triển khai tiêm ngừa. Các đơn vị điều trị chuẩn bị hóa chất, vật tư để khi có bệnh xảy ra thì đáp ứng điều trị kịp thời và hiệu quả"- ông Đức nói.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Quảng Ngãi chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu. Tuy nhiên, tỉnh cũng là một địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi để phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy, để chủ động phòng bệnh, bên cạnh việc tăng cường tiêm chủng, người dân cần thực hiện thêm những biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Do đó, trẻ em cần được tiêm đầy đủ vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu sau 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Được biết, từ năm 2018 - 2020, tại các huyện miền núi của Quảng Ngãi như Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Ba Tơ ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Để ngăn bệnh bùng phát thành dịch, tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại các địa phương nói trên. Còn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu.