Quảng Ngãi giữ nguồn lợi thủy sản cho mai sau
Kinhtedothi- Nhiều biện pháp được Quảng Ngãi triển khai để vừa khai thác, vừa bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản cho mai sau.
Hơn 1,5 triệu con tôm sú, cua xanh và cá hồng mỹ vừa được thả xuống khu vực mặt nước thuộc Cửa Lở (xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là những loại giống thủy sản phù hợp với điều kiện, môi trường nước ở khu vực này. Con giống được thả rải đều trên toàn khu vực để đảm bảo khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Thắng Lợi.
Ngoài khu vực Cửa Lở, trong năm 2025 này, Chi cục Thủy sản - Biển đảo Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại đầm nước nặn Sa Huỳnh và hồ Đăk đrinh.
Trung bình mỗi năm, Chi cục Thủy sản - Biển đảo phối hợp với chính quyền các địa phương thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực nước ngọt, nước mặn và nước lợ với kinh phí từ 300 đến 450 triệu đồng. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, phối hợp với các tổ chức tôn giáo, hội nghề nghiệp cùng tham gia.
Người dân trong khu vực thả tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản.
“Thông qua những hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, chung tay bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Biển đảo Quảng Ngãi Võ Văn Hải cho biết.

Tình trạng khai thác thủy sản quá mức khiến nguồn lợi thủy sản ven biển Quảng Ngãi ngày càng suy giảm, đặc biệt là khu vực ven bờ.
Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.300 loài thủy sản, trong đó có 36 loài nguy cấp, quý hiếm. Những năm qua, tình trạng khai thác thủy sản quá mức, sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt và ô nhiễm môi trường đã làm giảm đáng kể số lượng và chất lượng của nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ.
Trước thực trạng trên, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để phục hồi và bảo vệ.
Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi Nguyễn Ngọc Tưởng cho hay: “Chúng tôi đã tuyên truyền người dân không dùng những loại bẫy, chích điện làm hủy hoại môi trường sống của các loại thủy sản; đồng thời có kế hoạch giao biên phòng phối hợp chính quyền địa phương, công an, quân sự để thường xuyên tra nhất là các đối tượng thường hay hủy hoại thủy sản”.
Đáng chú ý, để bảo vệ khu vực các loài thủy sản tập trung sinh sản, khu vực ươm giống và thủy sản còn non sinh sống, năm 2024, Quảng Ngãi còn ban hành lệnh cấm khai thác thủy sản ven bờ có thời hạn tại phía nam đảo Lý Sơn và thị xã Đức Phổ với quy mô hơn 15.000ha. Thời gian cấm khai thác từ ngày 1/11 đến ngày 30/11 hàng năm.

Quảng Ngãi cấm khai thác có thời hạn ở một số vùng biển ven bờ.
Việc ban hành quy định cấm đánh bắt được xem là biện pháp thích hợp tạo cơ hội cho thủy hải sản sinh sôi, nảy nở. Trong thời gian cấm, nếu ngư dân nào cố tình vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản, cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
-1743580057.jpg)
Quảng Ngãi dừng đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị Đảo Ngọc?
Kinhtedothi- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị mới An Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư là 3.800 tỷ đồng.

Chìm tàu cá, 3 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn
Kinhtedothi- Khi đang khai thác ở Trường Sa, tàu cá QNg 92385TS bị sóng lớn đánh vỡ thân, nước tràn vào khoang máy.

Quảng Ngãi rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cấp xã
Kinhtedothi- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cấp xã trên địa bàn và xây dựng báo cáo tổng hợp, sẵn sàng phương án sắp xếp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.