Quảng Ngãi: Giúp người nuôi tôm vượt qua cơn “khủng hoảng” vì dịch bệnh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình nuôi tôm ghép cá đối và cua biển đã giúp nông dân ở các vựa nuôi tôm ở xã Bình Dương, Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vượt qua cơn “khủng hoảng” vì dịch bệnh bởi môi trường bị ô nhiễm.

Mô hình mang lợi kép
Đây là năm thứ 2 ông Nguyễn Trường Thạnh (ngụ ở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) thực hiện thành công mô hình thử nghiệm nuôi tôm ghép cá đối và cua biển, thuộc dự án "Nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu".
 Ông Nguyễn Trường Thạnh phấn khởi vì mô hình mang lại hiệu quả cao.
Trên diện tích ao nuôi gần 5.000m2, mỗi vụ, ông thả nuôi trước 1.000 con cá đối và 3.000 con cua biển. Sau 2,5 tháng, ông tiếp tục thả nuôi 100.000 con tôm thẻ chân trắng. Gần 3 tháng nuôi với tôm và 5 tháng nuôi với cá đối, các loài thủy sản thả nuôi đều phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt hơn 90%.
“Bình quân mỗi vụ thu được 500kg tôm thương phẩm, 120kg cá đối và gần 200kg cua biển, sau khi trừ chi phí thì còn lãi trên 70 triệu đồng”, ông Thạnh chia sẻ.
Cách đây hơn chục năm, ông Thạnh gắn bó với nghề nuôi tôm sú trong ao đất truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian lâu dài, môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, điều kiện ao nuôi, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm không được đảm bảo, mô hình nuôi tôm sú không còn mang lại kinh tế cao cho gia đình.
Cuối năm 2019, ông Thạnh đăng ký tham gia dự án "Nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Sơn triển khai. Theo ông, với mô hình nuôi tôm ghép cá đối và cua biển, con tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước, môi trường nước trong ao nuôi cũng trong và sạch hơn nhờ cá đối ăn tảo trong hồ.
 Tôm nuôi phát triển tốt và không bị dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hoàng Phương (ngụ thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) cũng là một trong những hộ vừa tham gia mô hình như ông Thạnh với diện tích 3.500m2 hồ nuôi. Theo ông Phương, phải thả cua và cá đối trước khi thả tôm giống 1 tháng vì cua và cá đối có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn tôm thẻ chân trắng.
"Việc thả nuôi cua và cá đối làm cho đáy ao thông thoáng, các loại tảo có lợi trong ao phát triển tốt. Tảo trong ao sẽ là thức ăn cho cá đối, do vậy sẽ giảm được nguy cơ tảo bùng phát, môi trường ao ổn định, sinh vật phù du phát triển thuận lợi cho việc thả tôm", ông Phương cho biết.
Giải pháp về môi trường cho vựa tôm
Tại Bình Sơn, vẫn còn khá nhiều diện tích ao đất nuôi tôm kém hiệu quả. Nguyên nhân là do môi trường nước nuôi mất cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, điều kiện ao nuôi, trang thiết bị phục vụ nuôi tôm của nông dân không đầy đủ. Những yếu tố bất lợi này dẫn đến việc nuôi tôm của bà con gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng, mưa dông…
Mô hình vừa hạn chế dịch bệnh cho tôm, vừa tăng thu nhập cho người nuôi.
“Mô hình nuôi tôm ghép cá đối và cua biển sử dụng biện pháp nuôi chung các đối tượng tôm, cua, cá đối trong một ao. Đây là giải pháp giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Tôm sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng đáy. Thức ăn của cá là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, thức ăn thừa của tôm, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường ao nuôi sạch hơn”, ông Lê Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho biết.
Năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn tiếp tục thực hiện dự án "Vùng nuôi thủy sản nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu" trên diện tích 2ha, với 8 hộ tham gia tại 2 xã Bình Dương và Bình Chánh. Đây là 2 địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn của huyện Bình Sơn với tổng diện tích nuôi thực tế lên đến 144 ha, chiếm 74,7% tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ toàn huyện.
Theo ông Khoa, với kết quả bước đầu đạt được, mô hình đã giúp người dân thay đổi thế nuôi tôm độc canh, chuyển sang phương thức nuôi thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần giảm rủi ro do dịch bệnh và tăng giá trị kinh tế cho các hộ nuôi tôm. Đây cũng là động lực cho nông dân phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn, mang tính hàng hóa, hướng đến sản xuất bền vững.