Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Hàng ngàn mét vuông đất ruộng bỏ hoang vì sa bồi thủy phá

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Suốt nhiều năm nay, gần 5.000m2 đất nông nghiệp của người dân từng là “bờ xôi ruộng mật” lại lâm vào cảnh hoang hóa, cỏ dại mọc đầy.

Bà Nguyễn Thị Sự là một trong số nhiều hộ dân ở tổ 8 phường Quảng Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có diện tích đất ruộng bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Mảnh đất màu mỡ năm nào giờ phải bỏ không, cỏ dại mọc đầy.
Mảnh đất màu mỡ năm nào giờ phải bỏ không, cỏ dại mọc đầy.

Nếu như 500m2 (1 sào) ruộng gần suối Ba Đơn trước đây gia đình bà trồng lúa thì suốt 8 năm nay chỉ là bãi cỏ hoang. Theo bà Sự, gia đình không thể canh tác vì dự án cao tốc đã làm thay đổi dòng chảy của suối Ba Đơn, gây ra tình trạng sa bồi thủy phá.

“Từ ngày làm đường cao tốc, họ làm cái cống nhưng cứ xói lở hoài. Đá, cát chảy xuống làm bồi lấp ruộng nên không trồng lúa được, phải bỏ hoang”- bà Sự cho biết.

Không chỉ riêng bà Sự, hàng chục dân ở tổ 8 (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo quan sát của phóng viên, nhiều diện tích ruộng ở gần khu vực suối Ba Đơn, sát bên dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng. Những mảnh đất trước đây được cho “bờ xôi ruộng mật” giờ là đám cỏ dại.

Có khoảng gần 5.000m2 đất nông nghiệp khu vực cầu ORB28a thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bỏ hoang.
Có khoảng gần 5.000m2 đất nông nghiệp khu vực cầu ORB28a thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bỏ hoang.

Qua thống kê, có gần 5.000m2 đất nông nghiệp của 12 hộ dân ở sát chân cầu ORB28a thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều chịu cảnh bỏ hoang vì bị sạt lở, bồi lấp không thể canh tác. Các hộ dân này khẳng định, chính việc xây dựng cầu trên tuyến cao tốc đã làm thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá.

“Phải có phương án đền bù hoặc hỗ trợ các hộ có đất bị sa bồi thủy phá. Nếu không thì dùng quỹ đất dự phòng để thay đổi, tạo điều kiện cho bà con làm ăn. Nếu để tình trạng như thế này mãi kéo dài thì kinh tế không phát triển, đời sống bà con mỗi ngày một đi xuống là không hợp lý”- ông Nguyễn Văn Chánh (tổ 8, phường Quảng Phú) bày tỏ.

Kiến nghị giải quyết vấn trên của người dân đã được gửi đến chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo các hộ dân, việc xây dựng cầu trên tuyến cao tốc đã làm thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá.
Theo các hộ dân, việc xây dựng cầu trên tuyến cao tốc đã làm thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng sạt lở, sa bồi thủy phá.

Gần đây nhất, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển chuyển kiến nghị này của cử tri đến Bộ Giao thông -Vận tải và được hồi đáp.

Theo đó, báo cáo của chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết, việc thiết kế và thi công công trình cầu ORB28a không làm thay đổi và ảnh hưởng đến dòng chảy của suối Ba Đơn.

Tình trạng sạt lở, bồi lấp một số thửa đất lân cận phía hạ lưu cầu ORB28a đã xảy ra trước thời điểm triển khai thi công công trình cầu ORB28a và đoạn tuyến cao tốc qua khu vực suối Ba Đơn.

Theo chủ đầu tư, việc thiết kế và thi công công trình cầu ORB28a không làm thay đổi và ảnh hưởng đến dòng chảy của suối Ba Đơn.
Theo chủ đầu tư, việc thiết kế và thi công công trình cầu ORB28a không làm thay đổi và ảnh hưởng đến dòng chảy của suối Ba Đơn.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phú Lê Đình Từ bày tỏ: “Trước tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang nhiều năm, mong đơn vị quản lý đường cao tốc hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại trong những năm qua. Về lâu dài, mong đơn vị quản lý có phương án thu hồi như đề nghị của bà con vì thật sự hiện nay sạt lở nghiêm trọng, việc cải tạo để sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”.