Quảng Ngãi: Hàng trăm hộ dân bị cô lập giữa sông Trà Khúc

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hơn 300 hộ dân bị cô lập giữa sông Trà Khúc nhiều ngày liền vì con đường độc đạo ra- vào đã bị mưa lũ đã làm cuốn trôi, xói lở nghiêm trọng.

Ông Kiều Can (thôn Ân Phú) đến bến đò ở gần khu vực thi công đập dâng sông Trà Khúc kịp lúc đò chuẩn bị khởi hành. Vừa đẩy chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc mua được ở bên này bờ lên đò để về nhà, ông Can vừa lý giải: “Năm nào đến mùa này cũng phải đi đò qua sông. Cứ mỗi lần đi thì người 5.000 đồng, xe máy 5.000 đồng. Giờ nước rút mà đường hư nên cũng không đi được, vẫn phải đi đò”.
 Người dân dùng đò vượt sông Trà Khúc.
Theo bà Đồng Thị Phúc (thôn Ân Phú), cứ đến mùa mưa lũ, người dân khu vực này lại bị cô lập. “Nếu mưa lụt sớm thì bị cô lập từ tháng 8 âm lịch, năm muộn là từ tháng 9, mãi đến tháng Chạp mới hết. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm tìm phương án hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng chia cắt này”, bà Phúc bày tỏ.
 Việc sử dụng ghe, đò qua sông vào mùa mưa bão đã diễn ra nhiều năm.
Nhiều ngày qua, dù nước đã rút, nhưng con đường độc đạo đi qua sông Trà, nối từ đường Hoàng Sa đến xóm Tân Lập (thôn Ngọc Thạch) và thôn Ân Phú (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi), dài hơn 500m đã bị dòng nước chảy xiết của sông Trà Khúc làm sạt lở, hư hỏng. Có đoạn gần 30m đường, sâu từ 2,5 - 3m bị cuốn trôi. Hơn 300 hộ dân ở khu vực này vẫn bị cô lập, trở thành "ốc đảo" giữa sông, muốn vào bờ phải sử dụng ghe, đò, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
 Một đoạn đường đã bị nước cuốn trôi.
Cách đây vài ngày, anh Phạm Minh Tùng (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn) cũng gặp nhiều khó khăn khi đưa bò vừa mua từ trong thôn Ân Phú qua sông. Không thể dùng ghe để chở, anh Tùng đành phải mạo hiểm nhảy xuống sông, tự tay kéo con bò nặng tới 2 tạ vượt dòng nước chảy xiết để sang phía bờ bên kia. Mất gần nửa giờ, anh mới kéo được nó vào bờ.
 Anh Phạm Minh Tùng "vật lộn" gần nửa giờ để đưa bò qua sông.
Không những đi lại khó khăn, người dân khu vực này cũng đang rất lo lắng vì nếu tuyến đường độc đạo ra vào "ốc đảo" không được sửa chữa thì vụ sản xuất Đông Xuân tới đây, họ sẽ phải tốn khoản tiền không nhỏ để thuê ghe, đò vận chuyển phân, giống qua lại nhiều lần.
Theo ông Võ Văn Khương- Chủ tịch UBND xã Tịnh An, xã vừa phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra, khảo sát sơ bộ và đánh giá mức độ thiệt hại tại vị trí sạt lở của tuyến đường dân sinh nói trên.
“Qua khảo sát sáng 18/12, đánh giá lại tổng quan thì kinh phí để duy tu, sửa chữa khu vực này khoảng 170 triệu đồng. Hiện, xã đã báo cáo trình UBND TP Quảng Ngãi xem xét, hỗ trợ để kịp thời triển khai thi công và sớm hoàn thành việc sửa chữa tuyến đường, nhằm giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện”, ông Khương thông tin
 Con đường độc đạo ra đảo thôn Ân Phú và xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch tan nát sau các trận mưa, lũ.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tịnh An, trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là dự báo có bão RAI như hiện nay, việc sửa chữa chưa thể tiến hành ngay được.
“Trước mắt, chúng tôi vận động bà con và người chở đò chấp hành tốt các biện pháp để đảm bảo an toàn, không được qua sông khi mưa gió lớn, nước dâng cao. Trong khi chờ tuyến đường được sửa chữa, bà con cũng chỉ còn cách vượt sông bằng đò”, ông Khương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần