70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Hiểm họa cháy rừng từ đốt rẫy, dọn thực bì

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, tại Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều vụ cháy rừng có nguyên nhân từ việc đốt rẫy, dọn thực bì của người dân.

Thiệt hại nặng nề
Ngày 16/8, khu vực đập Sở Hầu (thuộc thôn Phước Nhơn, xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ) xảy ra vụ cháy rừng do đốt thực bì làm một người tử vong. Nạn nhân là bà N.T.C. (thôn Tân Sơn, xã Phổ Nhơn). Trước đó, bà N.T.C. cùng cháu trai là L.Q.H. (thôn Phước Nhơn, xã Phổ Nhơn) đến đám keo gần đập Sở Hầu để đốt thực bì.
 Hiện trường vụ cháy rừng ở khu vực thôn Phước Nhơn, xã Phổ Nhơn.
Do thời tiết nắng nóng, hanh khô cộng thêm gió lớn nên ngọn lửa đã bùng phát nhanh chóng, cháy lan sang rẫy keo của các hộ khác. Trong quá trình dập lửa cháy lan, bà N.T.C. bị ngạt khói, lửa cháy vào người và không thể thoát ra khỏi đám cháy, dẫn đến tử vong.
Trước đó, vào ngày 7/8, tại địa bàn xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng), bà H.T.H. cùng con dâu là H.T.O. đốt rẫy để trồng keo. Do bất cẩn, ngọn lửa cháy lan, gặp lúc nắng, nhiệt độ cao kèm theo gió lớn làm đám cháy lan rộng ra rừng trồng quế và keo. Hậu quả, bà H. bị ngạt khói tử vong; chị O. thoát ra ngoài được, bị ngạt khói và đã được cấp cứu.
Sáng 5/8, cũng do người dân đốt thực bì sau khi khai thác rừng trồng keo, dẫn đến đường dây 500kV mạch 3, đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2 chạy qua địa bàn huyện miền núi Sơn Hà bị sự cố nghiêm trọng, làm mất an toàn vận hành lưới điện, ảnh hưởng đến phương thức vận hành hệ thống điện Quốc gia.
 Cháy rừng tại Quảng Ngãi gây sự cố đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.
Theo ông Nguyễn Đại - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 3 đến nay, nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng nên nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở cấp nguy hiểm (cấp IV) và cực kỳ nguy hiểm (cấp V).
Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra hơn 30 vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 30ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 số vụ cháy rừng tăng nhanh, gây thiệt hại về người và ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nhiều vụ cháy rừng có nguyên nhân từ việc đốt rẫy, dọn thực bì để trồng rừng của người dân.
Lực lượng kiểm lâm phải đóng vai trò nòng cốt
Theo ông Trần Phước Hiền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong năm 2021, nhưng thực tiễn, việc thực hiện tại các địa phương chưa có chuyển biến. Thể hiện ở công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn nhiều hạn chế, yếu kém do chưa thay đổi cách nghĩ cách làm dẫn đến hiệu quả PCCCR chưa cao.
Một vụ cháy rừng do đốt thực bì gây ra.
Việc kiểm soát, xử lý các vi phạm gây cháy rừng chưa thực hiện nghiêm; công tác phối hợp giữa các lực lượng, chủ rừng, đơn vị liên quan chưa phát huy được sức mạnh tổng thể để đáp ứng yêu cầu công tác PCCCR.
“Lực lượng kiểm lâm phải đóng vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn cho chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch, thời gian đốt thực bì và buộc chủ rừng phải làm đúng theo phương án đã đưa ra, xóa bỏ ngay cách đốt thực bì tùy tiện, mạnh ai nấy làm như lâu nay”, ông Hiền yêu cầu.
Bên cạnh đó, chủ rừng phải nâng cao trách nhiệm của mình, nhất là trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy để có thể ứng phó hiệu quả ngay khi đám cháy vừa mới bùng phát. Các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng bằng flycam, bằng ảnh vệ tinh…
Các sở, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong việc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Cùng nhau bàn bạc, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương. Giữa kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng và các lực lượng khác cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc PCCCR.
 Lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Sơn Tây.
“Trong thời kỳ nắng nóng cao điểm, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương phải cử người túc trực, bắt buộc người dân khi vào rừng phải khai báo rõ ràng để quản lý. Đối với các trường hợp vi phạm gây cháy rừng, tỉnh giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công an địa phương xác minh, truy rõ ai là người gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.