Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Khai thác lợi thế để phát triển du lịch xanh

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quảng Ngãi đang từng bước hỗ trợ nông dân phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Nông dân làm du lịch

Dựa vào rừng dừa nước thơ mộng, hữu tình với diện tích gần 20ha của quê mình, hàng chục hộ nông dân ở xóm Cà Ninh (thôn Phú Long 3, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã khởi nghiệp làm du lịch.

Du khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh.
Du khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh.

Anh Võ Mãi - nguyên Trưởng thôn Phú Long 3, nay là chủ quán nước cho biết, rừng dừa Cà Ninh thông với sông Trà Bồng bằng con lạch. Từ đây xuôi về hướng Đông Bắc chừng 4km là đến cửa biển Sa Cần.

Khi thủy triều lên, nước mặn tràn vào sâu bên trong cửa biển hòa với nước sông thành vùng nước lợ nên rừng dừa nước là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản, là lá phổi xanh của vùng cuối sông Trà Bồng.

Trước khi Cà Ninh thành điểm du lịch, nhiều bạn trẻ cuối tuần hẹn nhau về đây ngắm trời mây, thuê ghe dạo chơi trong rừng dừa, mua cá tôm tự nướng. Còn dân Cà Ninh thì mùa nối mùa thu hoạch lá dừa để lợp nhà hoặc bơi thuyền đi đánh cá, bắt tôm.

Theo anh Mãi, từ năm 2022, huyện Bình Sơn chính thức quy hoạch rừng dừa để phát triển du lịch. Để phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Ninh theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng nhau bảo vệ, gìn giữ rừng dừa nước cùng nguồn lợi thủy sản tại đây.

Bên cạnh đó, chính quyền còn phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng và đưa người dân đi học hỏi kinh nghiệm tại các điểm du lịch gắn với rừng dừa nước của các tỉnh. Nhờ đó, nơi này nhanh chóng đổi thay, người dân quê mạnh tay đầu tư tiền của làm quán ăn, quán nước.

Các hàng quán, dịch vụ ở thôn Phú Long mở ra nhiều hơn để phục vụ du khách.
Các hàng quán, dịch vụ ở thôn Phú Long mở ra nhiều hơn để phục vụ du khách.

Đội chèo thuyền Cà Ninh cũng nhanh chóng được thành lập với các thành viên là người bản xứ, chủ yếu ở độ tuổi 50, 60. Sau bao nhiêu năm bó với nghề chài lưới, bây giờ, họ lại tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sông nước của mình để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Thái Nguyên- đội trưởng đội chèo thuyền Cà Ninh chia sẻ: “Tôi thấy rừng dừa Cà Ninh quê mình đẹp không kém cạnh so với rừng dừa Bảy Mẫu ở Quảng Nam, bởi vậy khi chính quyền triển khai mô hình du lịch cộng đồng, người dân Cà Ninh lập tức chung tay”.

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng là hướng đi đã được định hình cách đây vài năm ở Hợp tác xã du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ).

Làng Gò Cỏ với nét đẹp hoang sơ, nguyên thủy và những công trình kiến trúc của người Chăm Pa cổ xưa, cả các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển một mô hình du lịch cộng đồng.

Trong hơn 2 năm qua, HTX đã hướng dẫn người dân địa phương làm du lịch, trân trọng tất cả những nét văn hóa của địa phương, từ đó phát huy, nâng tầm giá trị để hấp dẫn du khách.

Người dân làng Gò Cỏ trở thành hướng dẫn viên cho du khách.
Người dân làng Gò Cỏ trở thành hướng dẫn viên cho du khách.

Đến nay, cộng đồng du lịch làng Gò Cỏ đã xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, các dịch vụ ăn uống, thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ. Đến Gò Cỏ, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như: đan lưới, ăn, ở, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian…

Phát huy lợi thế cảnh quan và văn hóa đặc sắc

Trong các loại hình du lịch hiện nay, mô hình du lịch xanh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi nhận thức của du khách về vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường ngày một tăng.

Du lịch xanh, còn gọi là du lịch sinh thái là loại hình du lịch được triển khai dựa vào 2 yếu tố chính là tự nhiên và văn hóa, kết hợp giáo dục môi trường với sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng địa phương để phục vụ cho mục đích cuối cùng là bảo tồn, phát triển tài nguyên cũng như hệ sinh thái tự nhiên một cách bền vững.

Tại Quảng Ngãi, loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm phát triển đúng định hướng gắn với lợi thế cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương.

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm phát triển.
Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm phát triển.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay.

Hiện, TP Quảng Ngãi đăng ký phát triển 6 mô hình phát triển du lịch nông thôn gồm: du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê; du lịch Làng hoa xã Nghĩa Hà; du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn xã Nghĩa Hà; du lịch cộng đồng xã Nghĩa Phú; du lịch cộng đồng bãi biển xã Nghĩa An và du lịch cộng đồng gắn với tham quan các khu di tích lịch sử.

Huyện Lý Sơn triển khai mô hình "Một ngày làm nông dân đất đảo - Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn", phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay. Thị xã Đức Phổ với mô hình du lịch cộng đồng gắn đồng muối Sa Huỳnh và homestay. Huyện Bình Sơn với mô hình du lịch cộng đồng Gành Yến, Bàu Cá Cái; rừng dừa nước Cà Ninh….

Sở VH-TT&DL tỉnh cũng đang phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi triển khai xây dựng sản phẩm mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với di tích Văn hóa Sa Huỳnh và Đầm An Khê, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, dự kiến chuyển giao vào quý IV/2023. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.