Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Kiến nghị nhiều giải pháp “gỡ khó” cho bất động sản

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các giao dịch đã sôi động trở lại sau thời gian trầm lắng vì Covid-19, nhưng ngành bất động sản ở Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đầu tư xây dựng.

Giao dịch nhà đất liên tục tăng

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính từ quý II/2021 đến nay, số lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tỉnh đã liên tục tăng theo từng quý trong năm.

Nếu như trong quý III/2021 Quảng Ngãi có 3.326 giao dịch nhà đất thành công, thì đến quý IV/2021 con số đó đã tăng lên 5.862. Bước sang quý I/2022, lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng lên 6.958 giao dịch. Xu hướng này tiếp tục trong quý II/2022 khi lượng giao dịch đất nền và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh đã tăng lên mức 9.545.

Hầu hết các giao dịch trong thời gian qua chủ yếu là mua bán đất thổ cư, hàng tồn kho của các dự án bất động sản còn nhiều nhưng vẫn neo ở giá cao dẫn đến việc người dân có nhu cầu mua đất khó giải ngân.

Hiện mức giá bán đất nền tại tỉnh đang dao động ở mức trung bình từ 5,5-25 triệu đồng/m2. Giá bán nhà ở riêng lẻ từ 10-50 triệu đồng/m2; giá mặt bằng cho thuê từ 400.000-800.000 đồng/m2.

Bên cạnh số lượng giao dịch nhà đất liên tục tăng, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh này cũng đã diễn ra sôi động trở lại. Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai các thủ tục có liên quan để tổ chức đấu giá hàng loạt khu đất trên địa bàn tỉnh.

Một trong những khu đất được đưa ra đấu giá ở TP Quảng Ngãi.
Một trong những khu đất được đưa ra đấu giá ở TP Quảng Ngãi.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, giá bất động sản trong thời gian đến có dấu hiệu tăng vì một số nguyên nhân chính như: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao; vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng; khung giá đất trong năm 2022 được điều chỉnh tăng; đồng thời, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Sau một giai đoạn trầm lắng do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản Quảng Ngãi đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, hiện ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đầu tư xây dựng.

Một dự án bất động sản đang triển khai ở Quảng Ngãi.
Một dự án bất động sản đang triển khai ở Quảng Ngãi.

Cụ thể, để tránh việc đầu cơ, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng siết chặt việc cho vay bất động sản cũng ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong ngắn hạn. Các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang trong giai đoạn đăng ký thực hiện thủ tục đầu tư chưa có dự án nào được lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư dự án, giao đất cho nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu dự án còn chồng chéo gây nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư. Các chính sách, quy định của pháp luật thời gian qua có cải thiện và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển; tuy nhiên, cũng chưa kịp thích ứng ngay với thị trường. Đặc biệt, các vướng mắc của đầu tư kinh doanh bất động sản thường liên quan đến nhiều nhóm luật, không thể sửa trong thời gian ngắn.

Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật và phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp bất động sản cần cơ chế hơn là hỗ trợ về tài chính, hay những hỗ trợ trong ngắn hạn. Điều này sẽ giúp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu ban đầu, thì trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án (chưa đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai) thì chủ đầu tư cần các nguồn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản. Các ngân hàng thương mại đang có xu hướng siết dần tín dụng đối với bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng. Nếu nhà nước siết cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây thiếu hụt nguồn vốn đầu tư.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn đảm bảo theo quy định.